Công nhân dệt may yên tâm vui tết

Chỉ còn vài ngày sản xuất nữa, công nhân xa quê sẽ được đoàn tụ, đón tết cùng người thân sau một năm làm việc xa nhà. Tới thời điểm này, việc thưởng tết ở các doanh nghiệp dệt may tại TPHCM đã hoàn tất. Dù năm 2011 kinh tế có khó khăn nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã chăm lo tốt đời sống người lao động, đặc biệt, thưởng tết năm nay cao hơn năm ngoái.
Công nhân dệt may yên tâm vui tết

Chỉ còn vài ngày sản xuất nữa, công nhân xa quê sẽ được đoàn tụ, đón tết cùng người thân sau một năm làm việc xa nhà. Tới thời điểm này, việc thưởng tết ở các doanh nghiệp dệt may tại TPHCM đã hoàn tất. Dù năm 2011 kinh tế có khó khăn nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã chăm lo tốt đời sống người lao động, đặc biệt, thưởng tết năm nay cao hơn năm ngoái.

  • Thưởng khá

Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Gia Định cho biết, doanh thu, lợi nhuận của nhiều đơn vị thành viên trong hệ thống Dệt may Gia Định như Công ty CP May Sài Gòn 3, Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex), Công ty LD Dệt Sài Gòn - Joubo… tăng mạnh. Có được kết quả này nhờ các doanh nghiệp có năng lực sản xuất ổn định, tỷ trọng làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) cao nên có lợi nhuận cao. Nhờ đó, đời sống người lao động được chăm lo tốt. Trong tết này, các doanh nghiệp trong hệ thống đều có tháng lương 13, tiền thưởng và các khoản khác hỗ trợ người lao động. Các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ 50%-100% chi phí tàu xe, tổ chức xe đưa đón người lao động về quê và đón trở lại làm việc.

Ngành dệt may cần giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài và gia công thuần túy. Ảnh: THANH TÂM

Ngành dệt may cần giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài và gia công thuần túy. Ảnh: THANH TÂM

Đặc biệt năm nay, có nhiều doanh nghiệp trong hệ thống thưởng tết người lao động với mức thưởng 2 tháng lương trở lên. Mức thưởng bình quân tại Garmex 9,86 triệu đồng/người, May Sài Gòn 3 9 triệu đồng/người, May Đại Việt 6,2 triệu đồng/người, May da Sài Gòn 6 triệu đồng/người, May Gia Định 5,6 triệu đồng/người… Không chỉ mức thưởng tết cao, các doanh nghiệp dệt may cũng tạo điều kiện để người lao động về quê đón tết dài ngày, số ngày nghỉ tết lên đến 2 tuần. Nhiều doanh nghiệp cho người lao động nghỉ tết từ ngày 25 tháng chạp đến ngày mùng 10 tháng giêng mới đi làm lại. Điều này đã góp phần tạo sự yên tâm, phấn khởi để người lao động gắn bó, làm việc lâu dài với doanh nghiệp.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong năm 2011, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã xây dựng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hợp lý để đảm bảo cuộc sống người lao động, với mức tăng thu nhập 15%, có nhiều doanh nghiệp tăng trên 40% so với năm 2010. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của cả hệ thống Vinatex (120.000 lao động) gần 4 triệu đồng/người. Vì vậy, trong tết này, người lao động tại các đơn vị như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Tân Châu, dệt Đông Á, dệt Thắng Lợi, Hưng Yên, Đồng Nai, Hưng Long, Đồng Tiến… cũng có mức thưởng khá, với mức bình quân khoảng 6 - 8 triệu đồng/người.

  • Xuất khẩu năm 2012 không quá lo lắng

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3 nhận định, xuất khẩu dệt may đã chững lại với sự giảm sút đơn hàng từ quý 4-2011, tuy nhiên, tình hình xuất khẩu năm 2012 không quá khó khăn để lo lắng! Hiện nay, các đối tác nhập khẩu chính của doanh nghiệp từ thị trường Mỹ, Nhật vẫn ổn định. Khó khăn lớn nhất với dệt may Việt Nam hiện nay là sức tiêu thụ tại EU đang sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang EU đã chuyển sang làm đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản. Tại thời điểm này, các nhà nhập khẩu quen thuộc, đối tác chính vẫn đặt hàng cho cả năm 2012.

May áo veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

May áo veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Trần Quang Nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết kinh tế thế giới vẫn còn nhiều nguy cơ bất ổn, dự báo năm 2012 tiếp tục là năm nhiều thách thức với ngành dệt may. Tuy nhiên, với kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2011, Vitas đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2012 sẽ tăng 10%-12%, đạt 15 tỷ USD so với 14 tỷ USD trong năm 2011. Các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn là thị trường chính, chiếm 80% tỷ trọng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam. Vitas sẽ nâng cao chất lượng dự báo và đánh giá thị trường, theo dõi sát các thị trường chính, tìm kiếm cơ hội khai thác tại những thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Nga, Đông Âu, Nam Mỹ… nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào các thị trường chính. Các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đang đầu tư để chuyển dần phương thức sản xuất gia công sang làm hàng FOB và ODM (tự thiết kế, phát triển hệ thống phân phối kinh doanh) để gia tăng giá trị. Mục tiêu đến năm 2015, nâng tỷ lệ sản xuất FOB từ 38% lên 50%, ODM từ 5% hiện nay lên 10%. 

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục