Công nhân điện lực góp 10.000 đồng giúp nhau vượt khó

Đất không sụp dưới chân mình
Công nhân điện lực góp 10.000 đồng giúp nhau vượt khó

“Có những người lao động không chết vì bệnh, mà chết vì không có đủ tiền để chữa bệnh”. Các cán bộ Công đoàn Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã băn khoăn ái ngại nhiều về chuyện này. Do vậy, trong việc chăm lo đời sống công nhân, công đoàn đặc biệt quan tâm việc chăm lo cho người lao động chữa bệnh hiểm nghèo.

Thăm hỏi, trợ giúp công nhân khi ốm đau là công việc thường xuyên của Công đoàn Tổng Công ty Điện lực TPHCM.

Thăm hỏi, trợ giúp công nhân khi ốm đau là công việc thường xuyên của Công đoàn Tổng Công ty Điện lực TPHCM.

Đất không sụp dưới chân mình

Hưởng ứng Tháng Công nhân đang được phát động, công đoàn không chỉ đi thăm hỏi, tặng quà cho công nhân như một việc làm “xuân thu nhị kỳ”, mà còn tập trung vào việc chăm lo cho những người lao động bị bệnh hiểm nghèo, để tiếp tục sống và công tác.

Chị H. công tác tại Công ty Điện lực Chợ Lớn. Nhìn chị cũng như bao người phụ nữ khác, với khuôn mặt phúc hậu và nụ cười luôn nở trên môi. Thế nhưng ít ai biết rằng cách nay không lâu chị đã từng đối diện với thần chết khi kiểm tra sức khỏe và phát hiện căn bệnh ung thư quái ác. “Bác sĩ nói nguyên nhân có thể do di truyền hay chế độ ăn uống… nhưng xem xét lại tôi thấy mình đều nằm ngoài mấy nguyên nhân đó, ấy vậy mà…”. Nói xong chị cười xòa. Lúc đầu nghe kết quả xét nghiệm, tinh thần chị sa sút, như thấy đất sụp dưới chân mình.

Chị tâm sự: “Buồn rầu, có lúc tuyệt vọng, nhưng rồi tôi nghĩ tại sao phải như vậy. Còn được ngày nào cũng gắng vui sống. Tôi vào viện để điều trị, gia đình lo, công ty lo. Cứ xạ trị xong là ăn không nổi, nhưng nghĩ anh em chia sẻ với mình, công ty rồi tổng công ty và ngoài tập đoàn cũng giúp đỡ, tôi tự nhủ mình phải ráng ăn để vượt qua bệnh tật. Ngoài khoản viện phí được bảo hiểm y tế thanh toán, công đoàn công ty còn hỗ trợ tôi hơn chục triệu đồng. Mình chỉ phải lo phần tự bồi dưỡng ở nhà”. Gần một năm qua chị H. đã trở về với cuộc sống bình thường và công việc công ty.

“Nếu công ty không hỗ trợ, tôi không biết giờ sẽ ra sao” - anh B. công tác tại Công ty Điện lực Tân Bình tâm sự khi nói về hoàn cảnh vất vả chạy chữa căn bệnh suy thận mãn của mình. Năm ngoái, thấy trong người mệt, hay ói, anh vào bệnh viện khám bệnh và kết quả chẩn đoán là anh mắc bệnh suy thận mãn. Hoàn cảnh đời sống gia đình anh khó khăn, vợ ở nhà nội trợ và lo cho đứa con còn nhỏ, đôi lúc anh đã cảm thấy tuyệt vọng vì gánh nặng chi phí chữa bệnh. Và rồi công đoàn đã tìm cách giúp đỡ thiết thực cho anh.

Anh B. bồi hồi: “Điều trị 6 tháng, giờ tôi đã đi làm lại. Nói thiệt, ngoài khoản bảo hiểm y tế chi trả, chi phí còn lại công ty lo hết. Bây giờ, chi phí mỗi tháng chạy thận tốn gần 4 triệu đồng, lấy hóa đơn về là công ty thanh toán, còn tiền lương vẫn nguyên vẹn để lo cho gia đình”. Tương tự, tại đây còn có trường hợp anh P. bị ung thư dạ dày, cũng đã “vượt qua cửa tử”, đi làm lại bình thường. Chi phí chữa bệnh của anh, ngoài khoản bảo hiểm y tế thanh toán, các khoản chi còn lại đều được công đoàn công ty hỗ trợ, chưa kể công đoàn còn vận động cả công ty quyên góp thêm gần 30 triệu đồng để thăm nom, chăm sóc, động viên anh.

Đông tay vỗ nên kêu

Ngoài các khoản chăm lo cho người lao động như mua bảo hiểm rủi ro, tặng quà hay thăm hỏi khi bị bệnh hoặc có việc cưới, việc tang, việc Công đoàn EVNHCMC xây dựng quỹ tương trợ và trích một phần quỹ phúc lợi đã tiếp sức cho người lao động vượt khó khi mắc bệnh hiểm nghèo. Bà Bùi Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Công đoàn EVNHCMC, cho biết: Có được nguồn kinh phí để hỗ trợ cho người lao động vượt qua bệnh hiểm nghèo là nhờ công đoàn phát động toàn tổng công ty (hơn 7.300 người) đóng góp mỗi người 10.000 đồng cho mỗi trường hợp, chưa kể nguồn quỹ phúc lợi do tổng công ty hỗ trợ. Chỉ riêng năm 2012 đã có 28 trường hợp người lao động bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, tai biến, mổ tim, chấn thương sọ não… đã được hỗ trợ từ nguồn quỹ này.

Một điều đặc biệt: Bằng nguồn quỹ tương trợ, mỗi khi cán bộ nhân viên của ngành, dù đã về hưu chẳng may qua đời, đều được hỗ trợ hơn 70 triệu đồng/trường hợp. “Hôm trước đi đám tang bác X… đã về hưu, khi chúng tôi chuyển hỗ trợ cho tang gia số tiền hơn 70 triệu đồng, họ ngạc nhiên và cảm động lắm. Nói thật, có được như vậy là từ tấm lòng của hơn 7.300 lao động tổng công ty”, một cán bộ công đoàn kể. Năm 2012, toàn tổng công ty đã có 34 trường hợp được nhận nguồn quỹ hỗ trợ này để lo hậu sự cho người đã mất.

Tại các công đoàn cơ sở, hình thức quỹ tương trợ được nhân rộng. Ông Bùi Văn Kha, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Phú Thọ, cho biết công ty đã xây dựng quỹ tương trợ bằng việc mỗi cán bộ nhân viên góp 5.000 đồng/người/tháng để tiếp sức cho người lao động khi bị bệnh, tai nạn, hoặc chi hỗ trợ học phí. Còn tại Công ty Điện lực Chợ Lớn, ông Trần Công Bằng, Chủ tịch công đoàn, cho biết, khi người lao động bị bệnh hiểm nghèo, ngoài quỹ tương trợ của tổng công ty, công đoàn cơ sở còn phát động anh em tự nguyện đóng góp thêm để chia sẻ với đồng nghiệp không may. “Cứ mỗi lần phát động là anh em nhiệt tình đóng góp, cảm động lắm, làm công đoàn như vậy mình thấy cũng vui” - ông Bằng nói.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục