Công tác chăm lo đời sống dân nghèo - Nhiều chuyển biến

Công tác chăm lo đời sống dân nghèo - Nhiều chuyển biến

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, qua 10 năm thực hiện, chương trình chăm lo đời sống người dân ở 20 phường xã nghèo trọng điểm của TP đã có nhiều chuyển biến.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) mang lại hiệu quả cao. Ảnh: HỒ THU

Mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) mang lại hiệu quả cao. Ảnh: HỒ THU

- Phóng viên: Ông có thể đánh giá hiệu quả công tác chăm lo người nghèo ở 20 phường xã nghèo trọng điểm của TPHCM trong 10 năm qua?

Ông HUỲNH ĐĂNG LINH: 10 năm qua, toàn TP đã vận động hơn 140 tỷ đồng chăm lo cho dân nghèo. Riêng với 20 phường xã nghèo trọng điểm, chúng tôi trực tiếp vận động các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị để chăm lo. Qua các chương trình chăm lo như học bổng Nguyễn Hữu Thọ, nhà ở, phương tiện đi học, nhu cầu sinh hoạt thiết yếu (điện kế, đồng hồ nước, vận dụng), phương tiện làm ăn (con giống, cây trồng), cho vay trả dần không lấy lãi… đã đem lại nhiều chuyển biến. Toàn TP hiện đã giải quyết cơ bản nhu cầu nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, nhà tình thương cho người nghèo. Đến nay chỉ còn một số trường hợp có nhu cầu ở huyện Củ Chi và Cần Giờ.

Với những hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo đã góp phần cùng chương trình xóa đói giảm nghèo của TP chăm lo toàn diện hơn cho người nghèo, góp phần cùng TP giải quyết cơ bản không còn hộ nghèo dưới 6 triệu đồng/người/năm và từ năm 2009 nâng lên mức 12 triệu đồng/người/năm. Trước đây, chúng tôi đã kiến nghị TP xem xét công nhận các phường xã không còn tỷ lệ hộ nghèo (trên 20%) được đầu tư đồng bộ nhiều hạng mục cầu đường, trường trạm, cơ sở hạ tầng thì đưa ra khỏi chương trình.

Tuy nhiên, do chuẩn nghèo đã được nâng lên, số lượng người nghèo theo chuẩn mới cũng theo đó tăng hơn 20% nên TP vẫn tiếp tục giữ nguyên tên gọi 20 phường xã nghèo trọng điểm để tập trung chăm lo.

- So với trước đây 10 năm, đời sống người dân ở các phường xã nghèo trọng điểm thay đổi như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, nhu cầu về nâng cấp nhà ở cho các gia đình chính sách, người nghèo đã cơ bản hoàn thành là một thành công lớn. Hiệu quả thứ hai có thể thấy được là tình trạng học sinh bỏ học nửa chừng gần như đã chấm dứt. Minh chứng rõ nhất là ở các xã như Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai của Bình Chánh; Phước Kiểng, Phước Lộc của Nhà Bè; An Thới Đông, Bình Khánh của Cần Giờ; các phường nghèo của quận 9… Nhiều cháu được nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ liên tục các cấp, nay đã vào đại học, có cháu tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.

- Liệu việc chăm lo theo kiểu cho người nghèo “con cá” thay vì “cần câu” có thể động viên họ phát huy nội lực để vươn lên?

Việc chăm lo của Quỹ Vì người nghèo không phải là cho người nghèo “con cá”, càng không tham vọng trao cho người nghèo “cần câu”. Việc trao “cần câu”, Quỹ XĐGN đã và đang làm rất tốt với nhiều hình thức: hỗ trợ vốn làm ăn, học nghề, xuất khẩu lao động… Còn Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ theo phương cách đi vào giải quyết những vấn đề cấp bách trong cuộc sống hàng ngày để họ yên tâm làm ăn như giúp họ sửa chữa nhà cửa dột nát, vay không lấy lãi, giúp phương tiện học hành... Ở ngoại thành, quỹ giúp hộ nghèo có thêm tiền mua thức ăn cho gia súc. Việc động viên, quan tâm để cổ vũ người nghèo phát huy nội lực, không ỷ lại vào sự chăm lo của xã hội được chúng tôi thường xuyên thực hiện.

- Ông có thể đánh giá thêm về công tác chăm lo cho người nghèo năm 2010 và những thuận lợi, khó khăn trong năm 2011?

Trong năm 2010, đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, đây là điều kiện thuận lợi để chúng tôi vận động cả xã hội chung tay lo cho người nghèo bằng nhiều hoạt động thiết thực như những chương trình đi bộ vì người nghèo, họp mặt tri ân doanh nghiệp đồng hành cùng người nghèo, các chương trình nghĩa tình ở quận huyện… Nhờ vậy, kết quả vận động cho Quỹ Vì người nghèo đã vượt chỉ tiêu (104 tỷ đồng/100 tỷ đồng chỉ tiêu).

Tuy nhiên, dự báo năm 2011 tình hình sẽ còn khó khăn, chúng tôi chỉ đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt 80 tỷ đồng (khối quận huyện 70 tỷ đồng, TP 10 tỷ đồng).

Hồng Hiệp (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục