Cộng tác viên trật tự đô thị ồ ạt nghỉ việc

Sau “chiến dịch” sắp xếp lại trật tự vỉa hè vừa qua, nhiều cộng tác viên trật tự đô thị đã nghỉ việc, nguyên nhân là do áp lực công việc cao nhưng mức lương khoán lại quá “bèo”. 
Lực lượng TTĐT phường Phạm Ngũ Lão xử lý một trường hợp vi phạm
Lực lượng TTĐT phường Phạm Ngũ Lão xử lý một trường hợp vi phạm
Áp lực cao, lương thấp
Đã gần 22 giờ (vào những ngày giữa tháng 6-2017) nhưng lực lượng cộng tác viên trật tự đô thị (TTĐT) vẫn phải đi tuần tra trên nhiều tuyến đường của khu phố “Tây” (thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Tuy nhiên, chỉ cần khuất “màu áo xanh” của họ là những người buôn bán quán nhậu trên đường Bùi Viện lại nhanh chóng đưa bàn ghế ra vỉa hè. Và khi đến gần 23 giờ, biết lực lượng TTĐT đã nghỉ, nhiều người bán hàng chiếm từ vỉa hè xuống lòng đường để kinh doanh. Không chỉ ở khu phố Tây, tình trạng trên còn diễn ra ở nhiều nơi như trên đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tri Phương, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi, An Dương Vương… 
Luôn phải đối mặt với tình trạng như vậy, nhiều người công tác trong lực lượng TTĐT cảm thấy rất mệt mỏi. Tâm sự với chúng tôi, một cộng tác viên TTĐT (xin được giấu tên) chia sẻ: “Mức lương khoán của chúng tôi chỉ có 2 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập này không đủ nuôi bản thân. Đã thế, mỗi lần vỉa hè bị tái lấn chiếm là  chúng tôi lại bị cấp trên phê bình, nhắc nhở. Còn khi ra đường làm việc, nhiều người dân không hiểu, họ cằn nhằn, thậm chí còn chửi bới chúng tôi”.
Sau “chiến dịch” lập lại trật tự vỉa hè vừa qua, quận 1 có số lượng cộng tác viên TTĐT nghỉ nhiều nhất, với 50 người trong tổng số 280 nhân viên (có 41 công chức). Quận Tân Phú có 7 người làm cộng tác viên TTĐT thì 3 xin nghỉ, 4 chuyển công tác. Quận Tân Bình có 9 người thì nay còn 6 người; quận 10 có 27  người, nay chỉ còn 17. Riêng UBND quận 3 không nêu con số cụ thể, nhưng cho biết số lượng không tăng mà còn giảm trầm trọng…
Tìm cách tháo gỡ
Theo UBND quận 1, khi mới thành lập, thu nhập của cộng tác viên TTĐT sau khi trừ các khoản chi phí (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) thì thực lĩnh chỉ còn 1.790.000 đồng/người/tháng. Đã vậy, từ tháng 1-2016 đến nay, những người tuyển mới đều không được đóng và hưởng các quyền lợi từ bảo hiểm xã hội. Các trường hợp công tác trước thời điểm tháng 1-2016 tuy vẫn được đóng các chế độ bảo hiểm, nhưng khi xin nghỉ việc thì không được chốt sổ và hưởng các chế độ bảo hiểm, mà phải chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Nguyên nhân là do Luật Bảo hiểm xã hội quy định: mức đóng các chế độ bảo hiểm phải không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. TPHCM thuộc khu vực có mức lương tối thiểu vùng năm 2016 là 3,5 triệu đồng/người/tháng; năm 2017 là 3.750.000 đồng/người/tháng. Còn mức lương khoán của nhiều cộng tác viên TTĐT chỉ là 2 triệu đồng/người/tháng, chưa bằng với mức lương tối thiểu vùng. 
Theo luật định, cộng tác viên TTĐT không nằm trong đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thời gian qua, UBND TPHCM đã linh hoạt chăm lo, tạo điều kiện và đóng bảo hiểm xã hội cho những trường hợp này. Song, Bộ Nội vụ đã “tuýt còi”, cho rằng cơ quan hành chính nhà nước cấp xã/phường không có đối tượng là người lao động ký hợp đồng khoán việc. Vì thế, từ năm 2016, TPHCM dừng đóng bảo hiểm xã hội cho cộng tác viên TTĐT. Hiện nay, TPHCM đang tìm hướng tháo gỡ: Nếu đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội thì phải do cấp quận/huyện ký hợp đồng với họ, thay vì cấp xã/phường như hiện nay; Có chính sách để mức lương của cộng tác viên TTĐT được cải thiện so với mức lương tối thiểu vùng.
Ông Nguyễn Minh Hòa, Đội trưởng TTĐT quận 6, cho biết: “Đội có 7 cộng tác viên với 10 biên chế, nhưng 5 biên chế là làm việc văn phòng. Khi đi tuần tra, Đội TTĐT phải phối hợp với 14 cộng tác viên ở các phường để làm việc trên 159 tuyến đường và 4 chợ lớn. Gắn bó với nghề, một số cộng tác viên TTĐT đã tự bỏ tiền mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Ngoài ra, để động viên, tất cả tiền thưởng của đội được chia đều cho mọi người”. Cũng làm tương tự như cách của quận 6, UBND quận 10 cho biết, tổng thu nhập của cộng tác viên TTĐT được khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn không đáp ứng được quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, cũng như nhu cầu cuộc sống của cộng tác viên TTĐT.

Tin cùng chuyên mục