Cơn mưa tầm tã cuối tuần khiến con đường nhỏ trước nhà ông Minh ngập lênh láng, nhão nhoẹt. Nhắc vợ súc sạch 2 cái thùng phuy sau sàn nước để hứng thêm nước mưa, ông Minh thở dài cho biết vì không có nước máy nên người dân ở đây (xã Tân Kiên huyện Bình Chánh) cũng như nhà ông, phải khoan giếng để lấy nước sinh hoạt và hứng thêm nước mưa để đun nấu.
Ông Minh cho biết thêm, trước đây khoan nông, sau thời gian sử dụng nước bị hôi, bốc mùi tanh nên tiếp tục khoan sâu đến 160m nhưng vẫn bị nhiễm phèn. Trước, có thể lọc một lần là dùng được nhưng giờ lọc đến hai lần vẫn còn phèn nên tắm là ngứa, giặt quần áo, nhất là áo dài trắng của con út ông mới giặt 3 lần đã bị vàng, nước để lâu cũng đóng thành cặn.
Ông Minh không phải là trường hợp ngoại lệ. Rất nhiều người dân như ông ở các quận, huyện ngoại thành TPHCM hiện nay đều chưa tiếp cận được nguồn nước máy của TP mà chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm, nước giếng khoan, nước mưa... cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chất lượng nước từ các giếng khoan đang nằm trong báo động đỏ bởi ô nhiễm nặng hoặc nhiễm phèn trầm trọng.
Mặc dù việc xây dựng hệ thống phân phối nước sạch về các quận, huyện ngoại thành đã và đang gặp nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của TP, doanh nghiệp và các quận huyện thời gian qua. Để phủ sóng mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân TP, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tổng công ty, công ty cấp nước cùng UBND quận huyện đã thành lập 4 tổ công tác thực hiện cấp nước sạch tại các quận ven và ngoại thành.
Cụ thể hơn, tổ 1 phụ trách khu vực huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ; tổ 2 là khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi; tổ 3 khu vực quận Bình Tân, huyện Bình Chánh; tổ 4 thì khu vực quận 9, Thủ Đức. Thực hiện lắp đặt 125,929km đường ống cấp 3 cho 19 quận nội thành, 37,538km cho các huyện ngoại thành; lắp đặt 5 bồn chứa nước tập trung ở các khu vực chưa có đường ống cấp nước… Nỗ lực là thế nhưng kết quả thống kê của Ban Dân vận Thành ủy từ phản ánh của cơ sở cho thấy những con số vẫn rất đáng buồn: tỷ lệ hộ dân ngoại thành được cấp nước sạch thay thế nước hợp vệ sinh chỉ có 32,46%. Trong đó Củ Chi là 4,85%; Hóc Môn là 7,22%; Bình Chánh là 47,49%...
Năm 2015, TPHCM sẽ thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn lúc nào hết, trước hết và cần phải tập trung thực hiện cho được chính là những công trình đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo thiết thực đời sống người dân. Việc xây dựng hệ thống phân phối nước sạch về các quận, huyện ngoại thành mặc dù còn nhiều khó khăn, tốn kém nhưng nếu thật sự quan tâm, đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu thì mọi khó khăn không còn là vấn đề. Và đó mới chính là những công trình dân sinh thiết thực nhất mà người dân mong ngóng, trông chờ.
LINH ĐAN