Chính quyền TPHCM đang dồn sức chấn chỉnh trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các vụ xây dựng không phép, sai phép. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn huyện Nhà Bè vẫn mọc lên các công trình xây dựng trái phép có quy mô lớn, gây bức xúc trong dư luận, khiến Thanh tra TP phải vào cuộc.
Công trình ở mặt tiền vẫn vi phạm được
Với việc hình thành khu công nghiệp và cảng tàu biển tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có tốc độ đô thị hóa nhanh, khó tránh khỏi xuất hiện nhiều công trình và nhà ở xây dựng trái phép. Công trình của ông Lê Văn Phúc ở số 424/17 đường Nguyễn Bình, xã Phú Xuân, là một công trình xây dựng sai phép quy mô lớn. Theo giấy phép xây dựng số 700 do huyện Nhà Bè cấp, ông Phúc được phép xây dựng công trình nằm ngay mặt tiền đường lớn, quy mô trệt và 1 lầu, với tổng diện tích 1.296m², trong đó tầng lầu 660m². Ngày 26-5-2016, trong thời điểm ông Phúc tiến hành thi công phần móng công trình, thanh tra xây dựng có đến kiểm tra, nhưng rồi sau đó không ngó ngàng tiếp; đến cuối tháng 8-2016, khi đến kiểm tra lần nữa đã phát hiện diện tích xây dựng tầng 1 là trên 1.000m². Thanh tra xây dựng đã lập biên bản xử lý vì diện tích xây dựng sai phép vượt quy định đến hơn 400m².
Công trình xây dựng không phép có quy mô lớn đang được chính quyền xã Nhơn Đức kiến nghị cho giữ lại
Trên đường Nguyễn Bình, địa bàn ấp 2, xã Nhơn Đức, đầu năm 2016, ông Huỳnh Sến phát cỏ, chặt cây dọn sạch khu đất mặt tiền đường để xây dựng công trình. Lễ khởi công rầm rộ, tập trung nhiều công nhân và phương tiện cơ giới. Không thấy chủ đầu tư có giấy phép xây dựng, nhân dân trong ấp phản ánh với chính quyền xã. Cán bộ xã trả lời đây chỉ là công trình xây dựng tạm nên không cần giấy phép. Thế nhưng, thực tế khi thi công xong cho thấy đây không phải là công trình xây dựng tạm, mà cả một khu nhà lớn kiên cố. Người dân gửi đơn phản ánh, đến khi thanh tra xây dựng vào cuộc, công trình xây dựng không phép mới bị buộc dừng lại. Kết quả thanh tra cho thấy đây là công trình xây dựng không phép, không phù hợp quy hoạch, diện tích sai phạm lên đến trên 2.000m².
Nuông chiều cho sai phạm
Điều khó hiểu là hầu hết những công trình xây dựng trái phép đều nằm ở mặt tiền đường, có quy mô tương đối lớn và thời gian vi phạm diễn ra trong một thời gian dài. Những vụ việc sai phạm này đều đã được người dân phát hiện và phản ánh với chính quyền từ rất sớm. Thế nhưng, các cấp chính quyền ở địa phương lại không quan tâm xử lý dứt điểm mà để cho sai phạm kéo dài. Sau khi phát hiện ông Lê Văn Phúc xây dựng công trình sai phép, Chánh Thanh tra xây dựng (Sở Xây dựng) đã có tờ trình số 345 đề nghị xử lý trường hợp sai phạm. Theo đó, căn cứ Nghị định 121/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, ông Phúc phải nộp phạt 375.000 đồng và tháo dỡ toàn bộ diện tích xây dựng vi phạm trong thời gian 10 ngày. Công trình xây dựng không phép của ông Huỳnh Sến cũng bị phạt 20 triệu đồng, buộc tháo dỡ phần vi phạm. Thế nhưng, thời gian cho phép đã qua, đối tượng vi phạm vẫn không tự giác thi hành, còn chính quyền chậm tổ chức cưỡng chế. Trao đổi về biện pháp xử lý đối với công trình xây dựng không phép, ông Nguyễn Thanh Thoản, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, cho biết: “Ông Huỳnh Sến xây dựng công trình có quy mô lớn, không phép trên khu quy hoạch đất ở là không đúng. Cơ quan chức năng đã có quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ. Tuy nhiên, mục đích của công trình để phục vụ kinh doanh sản xuất, là phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của địa phương, vì thế xã đã có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch để giữ lại công trình, thay vì phải tháo dỡ”.
Lập lại kỷ cương trong quản lý xây dựng không chỉ giữ được quy hoạch mà còn tạo được nếp tuân thủ quy định pháp luật của người dân. Việc nuông chiều cho sai phạm của một số cán bộ sẽ tạo tiền lệ xấu, gây bức xúc cho người dân và dễ thành điểm nóng về xây dựng trái phép sau này.
TRẦN YÊN