Công ty Tây Nam lập 7 công ty con để vay vốn, chiếm đoạt

Ngày 14-10, Đại tá Bùi Trọng Thế, Phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Cần Thơ đã chủ trì họp báo thông tin tiếp theo vụ án “Cố ý làm trái những quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Cần Thơ.

Ngày 14-10, Đại tá Bùi Trọng Thế, Phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Cần Thơ đã chủ trì họp báo thông tin tiếp theo vụ án “Cố ý làm trái những quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Cần Thơ.

Đại tá Thế cho biết, việc cung cấp thêm thông tin nhằm chỉ rõ những cơ sở pháp lý xung quanh việc khởi tố vụ án và bắt 4 bị can để tạm giam, sau khi một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin cho rằng Công an Cần Thơ đã hình sự hóa vụ án kinh tế. Bốn bị can bị bắt tạm giam để điều tra gồm: Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam - Hậu Giang), Phạm Tường Thi (Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến), Nguyễn Văn Đạt (Phó giám đốc Công ty Tân Tiến) và Bùi Tuấn Anh (Trưởng phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ).

Công an Cần Thơ cho rằng, việc khởi tố, điều tra sau khi Công ty Tây Nam phát sinh nợ xấu tại ngân hàng, không còn khả năng thực hiện dự án. Trong số 258 tỷ đồng đã giải ngân thì có đến gần 200 tỷ đồng nằm trong diện sai phạm, dùng vào mục đích gửi ngược lại ngân hàng để chiếm đoạt lãi suất, sử dụng sai mục đích vào việc mua đất đai và tiêu xài cá nhân. Đại tá Nguyễn Văn Thảo, Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, khẳng định Công ty Tây Nam không nằm trong số đối tượng được vay hưởng ưu đãi lãi suất 0% theo Quyết định 63-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tài liệu thu thập được cho thấy ông Đạt Nhân đã nhờ, thuê bạn bè lập 7 công ty con nhằm nâng khống tài sản thế chấp để ngân hàng giải ngân thông qua các công ty này, sau đó số tiền trên được chuyển cho Nhân sử dụng vào mục đích khác, thay vì phải mua máy móc, thiết bị như hợp đồng đã ký kết.

Trong quá trình điều tra, phát hiện các công ty cung cấp thiết bị cho Công ty Tây Nam chưa ký hợp đồng, chỉ mới bàn bạc, thống nhất thực hiện. Còn chủ đầu tư là Công ty Tây Nam và đơn vị thi công là Công ty Tân Tiến thực chất chỉ là một, do Nhân chỉ đạo lập ra và nhờ bạn học của mình là Phạm Tường Thi đứng tên. Trong quá trình vay vốn, Nhân chỉ đạo lập hồ sơ khống hợp đồng kinh doanh, nhưng thực tế các công ty con không hoạt động, số tiền vay được đều chuyển về cho Nhân chiếm đoạt.

Theo Đại tá Bùi Trọng Thế, tính đến thời điểm này số tiền sai phạm cơ quan điều tra chứng minh được rất lớn chứ không dừng lại ở con số 258 tỷ đồng đã được giải ngân và số tiền lãi trên 100 tỷ đồng; cá nhân có liên quan còn nhiều chứ không dừng lại 4 người đã khởi tố, bắt tạm giam nêu trên. Do sai phạm lớn, tình tiết phức tạp nên cơ quan điều tra đã gia hạn thời gian điều tra và tạm giam các bị can. Đặc biệt, trong quá trình bắt, khám xét nơi ở của bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, cơ quan an ninh đã thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ trực tiếp. Trong đó có 1 bộ cảnh phục An ninh nhân dân, 1 cặp cành tùng cấp tá, 1 cặp quân hàm trung tá, 1 cặp cành tùng cấp tướng, 1 cặp quân hàm trung tướng, 1 đèn xe ưu tiên và 1 roi điện. Công an đang xác minh làm rõ nguồn gốc của các đồ vật này cũng như mục đích sử dụng. Trong quá trình điều tra, bị can Đạt Nhân thiếu sự hợp tác, cho rằng mình bị bắt oan.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục