Công việc đè Tết Việt

Với cộng đồng người Việt ở Mỹ, chuyện nghỉ ngơi để đón Tết truyền thống là điều xa xỉ. Ưu tiên trước hết vẫn dành cho công việc. Điều này đặc biệt đúng hơn vào năm nay, khi cuộc sống thêm khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lạm phát cao.
Một gian bán hoa lan ở chợ hoa tại thương xá Phước Lộc Thọ.
Một gian bán hoa lan ở chợ hoa tại thương xá Phước Lộc Thọ.

Vương Đào mới qua Mỹ được 2 năm. Anh đến Mỹ theo chương trình hợp tác lao động với một công ty chế biến thức ăn gia súc tại bang Alabama ở vùng Đông Nam nước Mỹ. Đây là tiểu bang rất ít người gốc Việt sinh sống, toàn tiểu bang chỉ khoảng 40.000 người. Và thành phố nơi anh sống, Gadsden, lại càng ít với chỉ khoảng 300 người.

Vì số người Việt rất ít lại phân bố rải rác, nên ở đây hoàn toàn không có các hội chợ người Việt như ở những bang nhiều người Việt sinh sống như California.

“Mình giờ cũng chủ yếu ăn theo Tết Tây, chứ Tết Việt vẫn phải đi làm bình thường. Mình không có người thân người quen và sống chung nhà với những người nước khác, nên cũng không làm cơm cúng Tất niên hay Năm mới” - anh Vương tâm sự. Để vơi nỗi nhớ nhà vào dịp Tết Âm lịch, anh Vương cho biết anh thường đi câu cá ở sông Coosa vào buổi chiều sau giờ làm, tối về gọi video cho vợ con và người thân ở Việt Nam để hỏi thăm, chúc Tết.

“Bên này Giáng sinh người ta ăn lễ rất lớn, kéo dài qua Tết Dương lịch, nên không khí lễ hội cũng vui và nhộn nhịp, giúp mình phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà khi những ngày Tết ta đến gần” - anh Vương chia sẻ.  Anh cho biết tại thành phố nơi anh đang sống, việc tụ tập vui chơi vẫn diễn ra bình thường. Người dân ra đường hay đến những nơi công cộng vẫn không cần đeo khẩu trang. 

Trái lại, chị Thera Nguyễn, Việt kiều ở Texas, cho biết chị luôn phải đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường, và bảo vệ công ty chị sẽ không cho công nhân vào làm nếu họ không đeo khẩu trang. Chị Thera đã sang Mỹ được hơn 10 năm. Tết Việt đối với gia đình chị ở Mỹ không phải vào Mùng một Tết, mà vào ngày nghỉ cuối tuần đầu tiên của năm mới Âm lịch. “Vì ngày Tết ta mọi người vẫn phải đi làm bình thường, nên phải đợi đến ngày cuối tuần được nghỉ, gia đình mới tụ tập lại ăn Tết” - chị Thera nói và cho biết thêm cả gia đình, họ hàng thân quen hầu hết đã sang Mỹ định cư, nên những cái Tết Việt của gia đình chị ở nơi đất khách vẫn rất ấm cúng, dù không được diễn ra đúng ngày đúng tháng. “Sao chị và người nhà không xin nghỉ phép vài ngày để ăn Tết cho thoải mái?” - tôi hỏi. “Không được em ơi, bên này làm việc rất nghiêm túc, hơn nữa 2 năm nay đại dịch hoành hành, có việc làm ổn định là may mắn lắm rồi” - chị đáp.

Làm công khó xin nghỉ, nhưng làm chủ lại càng không thể. Đó là theo lời kể của anh Đăng Nguyễn, ông chủ một tiệm nail lớn ở New York, thành phố sầm uất nhất nước Mỹ. “Người làm còn có thể xin nghỉ, còn mình làm chủ thuê mặt bằng 1 tháng hết gần 20.000USD, nghỉ là đói luôn” - anh Đăng chia sẻ. Đặc biệt, nghề nail của anh kể từ khi đại dịch bùng phát đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nên bây giờ có cơ hội mở cửa phải tận dụng cho thật tốt.

New York là thành phố đắt đỏ và ít người Việt sinh sống, nên chuyện nghỉ Tết Âm lịch để đi hội chợ, vui chơi… với anh Đăng hoàn toàn không có. Và cách đón Tết của vợ chồng anh Đăng cũng như hầu hết người Việt khác, là gọi video về cho những người thân ở Việt Nam, để được truyền phần nào cái không khí Tết Việt cho đỡ nhớ quê hương. “Biết sao được, dù qua đây đã lâu, nơi đây vẫn là xứ người, khác biệt quá lớn về văn hóa, phong tục” - anh Đăng tâm sự.

Tin cùng chuyên mục