Phản hồi loạt bài “Thảm họa” thiếu điện

Kìm hãm tăng trưởng

Thủy điện Đồng Nai 3 lại dời ngày phát điện

Sau khi đăng loạt bài “Thảm họa” thiếu điện , Báo SGGP đã nhận được phản hồi từ nhiều phía, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN). Theo họ, việc “bể” kế hoạch trong quy hoạch phát triển ngành điện đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế đất nước và đảo lộn cuộc sống của xã hội…

Trong những ngày cao điểm cúp điện vừa qua, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn thống kê: tháng 4 có 7 ngày cúp điện, tháng 5 có 9 ngày, tháng tiếp theo cũng có tới 8 ngày. Tất nhiên, đi kèm cúp điện vẫn phải trả lương nhân công, tốn chi phí chạy máy phát điện, sản lượng giấy tissue (giấy cuộn) giảm 20,4 triệu cuộn, tổng chi phí thiệt hại do cúp điện lên tới 2,5 tỷ đồng!

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đưa ra con số thiệt hại của ngành khoảng 5.700 tỷ đồng do cúp điện liên tục, làm gia tăng chi phí đầu vào. Chưa kể, còn những thiệt hại khác như: mất khách hàng vì giao hàng không đúng tiến độ, cơ hội xuất khẩu giảm… Tại Công ty CP Thép Cửu Long Vinashin, sau hai tháng 5, 6 mùa khô vừa qua, đơn vị thiệt hại lên đến hơn 50 tỷ đồng do nguồn điện chập chờn, nhà máy chỉ chạy được hơn 30% công suất. Tương tự, Công ty CP Thủy hải sản Việt - Nhật cho biết, cứ đến mùa khô, mỗi ngày công ty thiệt hại gần 70 triệu đồng. Tính bình quân, mỗi tuần nhà đèn cúp 2 ngày, con số thiệt hại của công ty tròm trèm 1 - 2 tỷ đồng/tháng. Theo các công ty sản xuất chế biến thực phẩm, thủy sản nếu trong một tuần điện cúp 3 ngày như mùa khô năm nay, năng lực sản xuất của các công ty giảm 50% công suất.

Trong một cuộc họp với các bộ ngành mới đây, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN, từng đúc kết về thiệt hại do cúp điện như sau: Cứ mất 1 đồng doanh thu tiền điện tương đương với mất 2,5 - 3 đồng thiệt hại cho xã hội. Như vậy, áp vào con số EVN công bố lỗ 6.500 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2010, đồng nghĩa với thiệt hại chạm ngưỡng 20.000 tỷ đồng của đất nước trong ngần ấy thời gian!

Thủy điện Đồng Nai 3 lại dời ngày phát điện

Ngày 13-12, theo Ban quản lý dự án Điện 6, mực nước hồ thủy điện Đồng Nai 3 tiếp tục cạn kiệt, lưu lượng bình quân chỉ đạt 40 triệu m³/giây, còn thiếu hơn 1m để có thể vận hành chạy không tải. Chính vì vậy, đơn vị buộc phải tiếp tục dời ngày vận hành không tải vào cuối tháng này với hy vọng có đủ nước về hồ. Hiện khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên bắt đầu vào mùa khô, không còn khả năng tích nước. Nguy cơ thiếu hàng tỷ kWh từ thủy điện ở khu vực phía Nam trong mùa khô tới đã ở mức báo động.

Một lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết, những gì Báo SGGP nêu ra trong loạt bài “Thảm họa thiếu điện” cũng như thông báo của Bộ Công thương trong cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 6-12 cho thấy, không cần đợi tới mùa khô năm 2011 mà ngay từ bây giờ tình hình thiếu điện đã rất căng thẳng, ngay trong tháng này, nhiều địa phương sẽ bị cúp điện!

Thiếu điện đã gây thiệt hại nặng cho TPHCM nói riêng. Con số thiệt hại này rất lớn, không thể tính hết. Dù được ưu tiên sản lượng điện, nhưng EVN phân bổ cho TPHCM luôn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Đơn cử, năm 2010 TPHCM ước đạt tăng trưởng GDP 11,7%, trong khi sản lượng điện EVN cung cấp chỉ đạt 9%! Cụ thể, nhu cầu điện cả năm 2010 của TPHCM khoảng 2.800MW, trong khi ngành điện chỉ đáp ứng tối đa 2.391MW, thiếu hơn 400MW, dẫn đến TP thiếu bình quân 15%-20% sản lượng điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong nhân dân.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó phòng Quản lý điện năng Sở Công thương Bình Dương, tỉnh Bình Dương, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 ước đạt 13%, nhu cầu sử dụng gần 1.000MW, nhưng chỉ được phân bổ dao động từ 700 - 800MW, thiếu khoảng 200MW! Do cúp điện liên tục nên nhiều DN trên địa bàn có kiến nghị gởi UBND tỉnh nhờ hỗ trợ giá thuê, mua máy phát điện nhằm phục vụ sản xuất được ổn định trong mùa khô tới. Để đối phó với việc thiếu điện, UBND tỉnh kêu gọi những DN cung cấp máy phát điện chia sẻ việc thiếu điện bằng hình thức cho thuê, bán máy phát cho DN sản xuất kinh doanh với giá phải chăng...

Ông Thái Thanh Phong, Trưởng phòng Quản lý điện năng Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai với tốc độ phát triển GDP cả năm 2010 ước đạt mức 13,5% và cần đến 1.000MW.

Tuy nhiên, phía EVN không đáp ứng nhu cầu nên sản lượng luôn thiếu hụt trên dưới 20%. Điều này đã làm giảm sút đáng kể GDP trên địa bàn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thu hút đầu tư mới vào tỉnh. Trước mắt để đối phó với việc thiếu điện cho mùa khô, đơn vị đang kết hợp với Công ty Điện lực Đồng Nai triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tình trạng cúp điện trong mùa khô tới. Trong đó, đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện trong nhân dân và doanh nghiệp. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng DN chia sẻ với tình hình thiếu điện, bằng cách tăng cường sử dụng máy phát điện tại các DN vào những giờ cao điểm. Bước đầu đã được các DN đồng tình ủng hộ.

Lạc Phong – Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục