Cốt lõi của giáo dục đại học là thực hiện quyền tự chủ

Ngày 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về các dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học.

Ngày 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về các dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, nếu hội nghị trực tuyến đầu tiên này của khóa XIII tổ chức thành công, QH sẽ tiến tới một phương thức họp mới, tổ chức nhiều cuộc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, đặc biệt là liên quan tới vấn đề về luật, về giám sát của QH. Nếu thuận lợi, có thể cải tiến một bước quan trọng là tổ chức kỳ họp QH ở những nội dung cho phép theo phương thức hội nghị trực tuyến, giảm bớt việc họp tập trung, thời gian cũng như kinh phí mà chất lượng vẫn đảm bảo tốt.

Theo Chủ tịch QH, với cách họp này, các đại biểu Quốc hội, nhất là các vị chuyên trách ở các đoàn đại biểu Quốc hội, ở cơ quan của QH phải làm việc nhiều hơn, với tính chuyên nghiệp cao hơn và có chiều sâu hơn để đảm bảo chất lượng tốt hơn.

Góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học, nhiều ý kiến nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở Giáo dục đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở Giáo dục đại học thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở Giáo dục đại học và là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của Giáo dục đại học hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể các nội dung tự chủ, đối tượng và lộ trình thực hiện tự chủ.

GS Trần Thị Tâm Đan (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH) cho rằng nên nhìn nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới góc độ cơ chế quản trị của các trường. Nếu nhà nước đã xác định thực hiện cơ chế quản trị các trường đại học theo tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì phải đi kèm 2 thiết chế là hội đồng quản trị và hiệu trưởng; trường nào cũng phải thực hiện theo cơ chế quản lý này; phải xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng quản trị và hiệu trưởng...

Tán thành với 2 ý kiến trên, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, cốt lõi của việc tổ chức lại Giáo dục đại học là thực hiện quyền tự chủ. Dự thảo mới chỉ đưa ra một số khía cạnh trong thực hiện quyền tự chủ, trong khi nhiều khía cạnh khác cũng có thể thực hiện được như: tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức tuyển sinh.

Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án trong dự thảo nhưng vẫn còn ý kiến băn khoăn như đối với công chức, viên chức thì có nên thuộc phạm vi của dự án luật này không? Cũng có ý kiến cho rằng, chức năng đại diện là chức năng nội sinh của công đoàn, cần tiếp tục khẳng định chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, không nên sửa đổi, xem công đoàn như các tổ chức khác.

Một số ý kiến cho rằng, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là trách nhiệm trọng tâm của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ tập trung quy định về tổ chức và cán bộ công đoàn mà chưa có quy định về quyền và nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn.

Đề cập quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài, nhiều ý kiến nhất trí nên quy định với những điều kiện nhất định được quy định rõ trong luật.

>> Đề nghị thống nhất tên gọi “Tổng Công đoàn Việt Nam”

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục