Một ngư dân cả đời đi biển dặn con cháu: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ xưa đến nay luôn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế, mỗi ngư dân đánh cá trong khu vực này được ví như những “cột mốc sống” trên biển Đông…
1. Theo con tàu vượt biển trong cơn say sóng lắc lư, chúng tôi đến huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) giữa những ngày biển Đông dậy sóng. Trên đảo phần lớn là phụ nữ. Người già ở nhà đan lưới, trồng hành tỏi, trẻ em đi học, hầu hết đàn ông đều đi biển. May sao chúng tôi gặp được anh Nguyễn Văn Năm, ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, thuyền trưởng tàu QNg 96138 TS vừa đi biển về. Anh trải lòng: “Tôi cùng anh em ngư dân đi biển Hoàng Sa từ đầu tháng 5 khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Mặc dù bị tàu Trung Quốc xua đuổi nhưng chúng tôi vẫn cứ bình tĩnh đánh bắt cá vì biển là của mình, không có gì phải sợ”.
Với thâm niên hơn 21 năm đi biển, anh Năm bảo không thể nhớ hết bao nhiêu lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi và xem đó là chuyện thường ngày, không hề sợ hãi. Ngày 2-5-2014, Trung Quốc cho tàu số 114 có mui tàu bọc sắt đâm thẳng vào tàu anh làm bể máy, thân tàu hư hỏng nặng. Không khuất phục, anh em ngư dân trên tàu gia cố lại tàu tiếp tục vươn khơi bám biển. Thấy vậy, tàu Trung Quốc lại nhiều lần vây sát tàu anh, thậm chí cho người ngang nhiên nhảy sang đập phá đồ đạc, lấy đi toàn bộ trang thiết bị nhằm triệt đường sinh kế của ngư dân. Nhưng tất cả vẫn kiên cường bám biển cho đến cuối tháng 5 mới trở về đảo Lý Sơn để sửa chữa lại tàu, tiếp thêm nhiên liệu và thăm gia đình (đứa con trai út của anh vừa đầy tháng tuổi).
Anh Năm bảo: “Chưa kịp về đến nhà, anh em chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc ra biển nên vội tranh thủ sửa chữa tàu để 26-4 âm lịch (tức 24-5) kịp ra khơi…”. Hỏi anh kinh phí sửa tàu có tốn kém lắm không và có được nhà nước hỗ trợ? Anh bảo: “Kinh phí sửa chữa tàu tốn khoảng 60 triệu đồng, nhà nước có hỗ trợ một phần, nhưng dù không có hỗ trợ thì tui vẫn tự sửa chữa tàu để vươn khơi bám biển…”.
2. Có ra khơi mới hiểu được tình yêu biển của ngư dân mãnh liệt đến nhường nào. Khi đất nước bình yên thì ngư dân là những người dân đánh cá chất phác hiền lành, nhưng khi đất nước có nguy biến thì ngư dân trở thành những dân quân kiên cường trên biển. Hễ phát hiện tàu lạ xâm phạm vùng biển nước ta, ngư dân liền báo tin về đất liền cho cơ quan chức năng xử lý. Cả khi phải trực diện đối mặt với kẻ gây hấn thì ngư dân trở thành lực lượng hậu thuẫn đáng tin cậy của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, góp phần kết thành những cột mốc sống trên biển để ngăn cản kẻ gây hấn.
Anh Nguyễn Văn Chí, ngư dân thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, thuyền trưởng tàu QNg 996345 TS đi đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ hơn 1 tháng nay, tàu anh bị người trên tàu Trung Quốc đập phá hết tài sản, lấy mất icom liên lạc nên ngày nào vợ con cũng ra bến tàu ngóng tin. Chị Bùi Thị Mận, vợ anh Chí ở nhà cùng 3 đứa con nhỏ cứ nghẹn ngào: “Chồng tôi gan lắm, dù bị người trên tàu Trung Quốc đập phá hết tài sản nhưng anh ấy vẫn bám biển đến cùng…”.
Nhìn các ngư dân ra biển với vũ khí duy nhất là lòng dũng cảm và tình yêu biển mãnh liệt dù phương tiện tàu bè còn nhỏ bé, lạc hậu, chúng tôi không khỏi xúc động. Anh Dương Văn Giàu, ngư dân vừa bị tàu Trung Quốc hai lần đâm va, đập phá tài sản, phẫn nộ: “Họ ỷ tàu lớn, tốc độ cao nên vây ép uy hiếp ta. Nhưng chúng tôi không sợ, chỉ mong sao nhà nước sớm đầu tư để ngư dân có điều kiện đóng tàu có công suất lớn giúp ngư dân bám trụ biển khơi…”. Chị Bùi Thị Phước Hạnh, vợ anh Giàu, cùng con gái nhỏ dễ thương ngày nào cũng ra bến chờ chồng.
Tiếp bước cha anh, giờ đây ở đảo Lý Sơn đang có một lớp “ngư dân nhí” cũng kiên cường bám biển, trở thành thế hệ viết tiếp câu chuyện của Hải đội Hoàng Sa năm xưa. Cũng như nhiều em khác, gặp chúng tôi, em Đỗ Thanh Tâm, học lớp 4, con trai của ngư dân Đỗ Thanh Hùng “khoe”: “Cha con đi biển Hoàng Sa và Trường Sa từ hơn 3 tháng nay chưa về…”.
| |
MINH NGỌC