CPI giảm sâu nhất trong nhiều năm qua: Liệu có tác động đến doanh nghiệp sản xuất?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm nay giảm 0,27% rơi ngay vào mùa cận tết - mùa thường có CPI tăng cao - khiến dư luận băn khoăn về tình trạng giảm phát của nền kinh tế. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là CPI thấp có thể nguyên nhân do “giảm cầu”, điều đó khiến các doanh nghiệp sản xuất lo lắng... “Giải mã” điều này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Vũ Nam (Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) xung quanh tác động của CPI giảm hiện nay.
CPI giảm sâu nhất trong nhiều năm qua: Liệu có tác động đến doanh nghiệp sản xuất?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm nay giảm 0,27% rơi ngay vào mùa cận tết - mùa thường có CPI tăng cao - khiến dư luận băn khoăn về tình trạng giảm phát của nền kinh tế. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là CPI thấp có thể nguyên nhân do “giảm cầu”, điều đó khiến các doanh nghiệp sản xuất lo lắng... “Giải mã” điều này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Vũ Nam (Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) xung quanh tác động của CPI giảm hiện nay.

Không ảnh hưởng đến sức mua

PGS-TS Lê Vũ Nam

- CPI của cả nước thời gian qua không tăng, riêng tháng 11 năm nay giảm 0,27%, được coi là giảm thấp nhất trong nhiều năm qua. Đó là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo của nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

>> PGS-TS LÊ VŨ NAM: Việc CPI giảm phải được xem xét dưới hai khía cạnh. Trước hết, CPI giảm cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã phát huy tác dụng. CPI giảm có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, CPI cũng có thể cho thấy sức mua trong nền kinh tế sụt giảm và điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tác động đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, trong mỗi trường hợp cần phải có những phân tích, đánh giá cụ thể.

- Vậy nguyên nhân khiến CPI giảm  trong những tháng qua là vì sao, thưa ông?

Có thể nói, CPI tháng 11-2014 giảm 0,27% đã đánh dấu lần thứ hai trong năm (lần đầu vào tháng 3 giảm 0,44%). Thống kê cho thấy, nguyên nhân CPI tháng 11 năm nay giảm là do giá cả của các nhóm mặt hàng trọng yếu trong “rổ hàng hóa” để tính CPI (như thực phẩm, dịch vụ ăn uống, nhà ở, vật liệu xây dựng, điện nước, xăng dầu và gas) giảm mạnh. Tuy nhiên, theo thống kê, trong tháng 11, nhóm thực phẩm và dịch vụ ăn uống chỉ giảm nhẹ 0,03% so với tháng 10. Trong khi đó, nhóm có tỷ trọng lớn tiếp theo trong “rổ hàng hóa” để tính CPI  là nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt giảm đến 0,74% so với tháng trước.

Đáng chú ý, kể từ ngày 1-11 năm nay, giá gas bán lẻ đồng loạt giảm 40.000  đồng/bình 12kg và việc giá xăng dầu giảm mạnh liên tiếp thời gian qua cũng là tác nhân quan trọng kéo theo hàng loạt các mặt hàng và dịch vụ giảm giá, ảnh hưởng trực tiếp đến việc CPI trong tháng 11 giảm 0,27%. Như vậy, có thể thấy rằng nguyên nhân cơ bản của việc CPI tháng 11 giảm là có sự đóng góp quan trọng của yếu tố giá gas và xăng dầu do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Có nghĩa là CPI giảm lần này chưa thật sự phản ánh một cách rõ ràng dấu hiệu của sức mua trong nền kinh tế sụt giảm vì hiện nay lượng tiền trong nền kinh tế không thiếu.

CPI giảm, doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm.Ảnh: CAO THĂNG

Trong cái khó thường… ló cơ hội!

- Nhưng với CPI thấp như hiện nay, lại rơi vào mùa “cao điểm” về tiêu thụ hàng hóa tết, như vậy, liệu động lực sản xuất cuối năm của doanh nghiệp có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, việc CPI  giảm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu và đã có thị trường khá ổn định. Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng trong nước thì chưa nên vội vàng điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình vì theo thông lệ, những tháng gần Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm, sử dụng các dịch vụ của người dân tăng lên, làm cho CPI sẽ tăng mạnh ở nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng.

Dù CPI giảm nhưng doanh nghiệp chưa nên vội vàng điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. (Ảnh: Sản xuất tại XN chế biến thực phẩm Nam Phong). Ảnh: CAO THĂNG

- CPI thấp cũng là một mối lo trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Thông lệ, vào cuối năm các doanh nghiệp thường sản xuất, trữ hàng phục vụ tết, theo ông, để “an toàn”, doanh nghiệp nên làm thế nào, nên giảm sản xuất hay tăng kích cầu tiêu dùng?

Theo quan điểm của tôi, như đã nói ở trên là doanh nghiệp chưa nên vội vàng có sự điều chỉnh trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Doanh nghiệp cần xúc tiến các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của mình. Tôi nghĩ, “trong cái khó thường… ló cơ hội”, do vậy, trước bối cảnh chi phí giảm do lãi suất giảm, giá xăng dầu và cước phí vận chuyển giảm là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp kích cầu nhằm tăng tính cạnh tranh cho những sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của mình, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

- Theo ông, nhà nước và xã hội cần giải pháp gì để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?

Để nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định trong thời gian tới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà trong khuôn khổ cuộc trao đổi này chúng ta không thể đề cập hết được. Tuy nhiên, tôi cho rằng các giải pháp cấp bách cần phải đẩy mạnh đã được Chính phủ xác định rất rõ, trong đó đáng lưu ý là vấn đề xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

HÀN NI thực hiện

Tin cùng chuyên mục