(SGGPO).- Sáng nay, 24-9, Tổng cục Thống kê công bố: chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2011 chỉ tăng 0,82% so với tháng trước. Như vậy, CPI tháng này đã giảm tốc. So với tháng 12-2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2011 đã tăng 16,63% và so với cùng kỳ năm trước tăng 22,42%.
Chỉ số giá tháng 9 tăng chủ yếu do tác động của nhóm giáo dục (có chỉ số giá tăng cao với mức 8,62%). Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng thấp ở mức dưới 1% hoặc giảm.
Các nhóm, thuốc - dịch vụ y tế, hàng ăn - dịch vụ ăn uống đều tăng nhẹ ở mức 0,28% (trong đó, lương thực tăng 1,53%; thực phẩm giảm 0,28%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,9%); giao thông giảm 0,24%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Việc tăng chậm lại của CPI được lý giải bởi nhiều lý do: kinh tế vĩ mô đã qua thời kỳ khó khăn nhất, có dấu hiệu khá lên; Tăng trưởng kinh tế tiếp tục cao lên; Tỷ giá cơ bản ổn định; Lượng ngoại tệ mua được lớn góp phần tăng dự trữ ngoại tệ của quốc gia; Xuất khẩu tăng cao, đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay; Nhập siêu vừa giảm sản phẩm so với cùng kỳ năm trước, vừa thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch năm nay cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với kim ngạch xuất khẩu; sản lượng lương thực có hạt đạt mức cao nhất từ trước tới nay; Tốc độ tăng tín dụng và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán 7 tháng đầu năm thấp, tháng 8 tăng cao hơn, nhưng so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (tương ứng là 20% và 15- 16%) vẫn còn thấp; đầu tư và tiêu dùng “co” lại; Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; Lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm; Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thấp xa so với năm trước...
Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2011 tăng 18,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
Anh Phương