Cứ cho đi...

MINH CHÂU

Đều đặn hàng tháng, bà K. (người không muốn cho biết danh tính), 70 tuổi, lại quyên góp 100USD vào Quỹ hiến thận quốc gia (NKF) của Singapore. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không biết rằng sinh hoạt thường ngày của bà chỉ dựa vào khoản tiền 500USD/tháng từ công việc dọn dẹp tại một nhà thờ và từ Quỹ dự trữ trung ương (CPF). Chưa hết, bà còn phải chăm sóc 2 người em gái bị bệnh tâm thần. Vậy mà bà vẫn làm từ thiện trong hàng chục năm qua.

Rất nhiều người dù chỉ đủ ăn, đủ mặc và làm từ thiện như bà K. hiện đang là những nguồn nuôi dưỡng cho nhiều quỹ từ thiện. Ngay như NKF, quỹ này có khoảng 150.000 người thường xuyên quyên góp cho chương trình Giọt sống của quỹ với số tiền trung bình chỉ là 7,8USD/tháng. Tưởng chừng như ít ỏi nhưng báo cáo tài chính năm 2016 của NKF cho biết những mạnh thường quân của Giọt sống đã quyên góp được 13,8 triệu USD, chiếm 63% số người ủng hộ NKF.

Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện ở Quỹ xã hội trẻ em Singapore. Một tài xế lái xe buýt cũng hàng tháng đến văn phòng của quỹ đóng góp 100USD. Nếu vì lý do đột xuất nào đó khiến người đàn ông trung niên này không thể đến văn phòng trong tháng, thì tháng sau, anh sẽ đóng góp gấp đôi. Những tấm lòng hảo tâm như anh chiếm đến 70% trong tổng số tiền 13,1 triệu USD quyên góp cho Quỹ xã hội trẻ em trong năm ngoái.

Cứ cho đi mà không cần nhận lại

Theo báo cáo của Ủy ban các tổ chức từ thiện Singapore, trong năm 2015, các cá nhân đã đóng 450 triệu USD cho các quỹ từ thiện, nhiều gấp đôi so với năm 2006. Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm hiện nay, khi mà các công ty đua nhau cắt giảm kinh phí đóng góp cho quỹ từ thiện, những cá nhân như bà K. càng cho thấy họ giàu lòng trắc ẩn thế nào. Họ làm bằng cả tấm lòng, bằng sự trăn trở muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nhưng không ai biết và nhắc đến họ. Họ chưa bao giờ xuất hiện trên các trang báo với những dòng tít lớn ở những vị trí trang trọng. Những mạnh thường quân được báo chí Singapore biết đến như kiến trúc sư Albert Hong, 82 tuổi, người vừa tuyên bố tặng 30 triệu USD cho trường ĐH Thiết kế và công nghệ Singapore sau khi ông qua đời.

Nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng thực sự không công bằng, như kiểu có sự phân biệt trong làm từ thiện. Mạnh thường quân như ông Hong thì được báo chí săn đón, thông tin dày đặc trong khi những người như bà K. thì như “vô hình”. Tuy nhiên, không ít người tin rằng bản thân những người như bà K. làm từ thiện không phải để mình được mọi người biết đến, không phải vì cái danh. Tại Nhà cộng đồng Awwa dành cho người cao tuổi vô gia cư, có hoàn cảnh khó khăn, có 2 cụ sau khi mất đã tặng tất cả tài sản có giá trị cho ban quản lý để lo cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Còn có một cụ ông, được đưa về Awwa sau những tháng ngày phải sống trong một túp lều rách nát trong khu nghĩa địa. Khi mất đi, cụ đã để lại toàn bộ số tiền gần 3.000USD cụ tiết kiệm được cho CPF...

Tất cả những tấm lòng hảo tâm này đều không được các nhà báo chuyên viết về mảng xã hội biết đến và họ chẳng bao giờ xuất hiện trên bất kỳ một status nào trên Facebook. Với họ, đơn giản chỉ là cho đi mà không cần nhận lại

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục