Cú chuyển mình toàn diện

Chưa bao giờ TPHCM phải cùng lúc thực hiện nhiều đầu việc mang tính mục tiêu sống còn, cụ thể, sát sườn như hiện nay. 

Đó là tiến hành chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19, đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân giai đoạn hậu Covid-19 với 2 biến thể song tồn; bắt tay vào việc tăng tốc đà phục hồi, tái thiết kinh tế - xã hội trên nền tảng xem xét toàn diện để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố đúng trọng lực, trọng điểm gắn với điều kiện, cơ hội lẫn thách thức mới.

Rõ ràng, nội lực thành phố là một lợi thế, khi chuyển hóa thành “mãi lực” cho các chỉ số xuất nhập khẩu vẫn khởi sắc, tăng so với cùng kỳ. Lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ cũng tăng nhẹ. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng dịch chuyển tích cực, tiền gửi VND tiếp tục tăng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động… Điều đó cho thấy tính ổn định và niềm tin của người dân - khách hàng tiếp tục giữ vững trong/sau đại dịch vào hệ thống điều hành kinh tế vĩ mô lẫn vi mô, trên địa bàn thành phố.

Chính quyền thành phố đã cho thấy một tâm thế “nói là làm”, nỗ lực đáp ứng “người dân hỏi - lãnh đạo thành phố trả lời” bằng hành động cùng với việc xúc tiến các chương trình đối thoại, tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể dành cho doanh nghiệp; tái khởi động nhiều dự án giao thông, hạ tầng trọng điểm (trong đó phải kể đến việc “hạ quyết tâm” với dự án giao thông Vành đai 2, 3), kích hoạt, triển khai các đề án quy hoạch vốn là bản sắc lợi thế của thành phố…

Đặc biệt, thành phố đã mạnh dạn thí điểm cơ chế đội đặc nhiệm (task forces) để thúc đẩy các vấn đề cần được tháo gỡ, xử lý nhanh chóng trong “điểm nút” quyết định sự phục hồi. Chủ động nắm lấy “cơ” trong “nguy” khi hợp tác với Ngân hàng Thế giới để từng bước xúc tiến chuyển đổi số trong “mạch máu” vận hành kinh tế - xã hội. Đó chính là những điểm sáng, không chỉ “phản chiếu” trong khu vực bộ máy nhà nước mà còn kích thích, thúc đẩy đà phục hồi, sự tiếp sức mạnh mẽ từ trong người dân, doanh nghiệp.

Dù vậy, sẽ không có bất kỳ sự chủ quan nào khi các biến thể virus lẫn trạng thái tâm lý xã hội thời hậu đại dịch rất dễ phát sinh thành những xáo trộn, bất an, lo lắng. Kế hoạch ứng phó với việc mở cửa trường học tại thành phố, từ ngày 14-2 với ít nhiều lúng túng, bất cập, là một ví dụ mà ngành giáo dục trong sự kết nối, phối hợp với các bộ phận chức năng, gia đình cần thấy trước các tình huống phát sinh để không bị động. Hay thành phố cũng cần chủ động khắc chế, loại bỏ vấn nạn taxi sân bay loạn giá, ùn ứ, không kiểm soát tốt vào những lúc cao điểm…

Hơn nữa, những “điểm nghẽn” truyền thống đi cùng các tồn tại do “hoàn cảnh lịch sử” để lại - nhìn từ các vấn đề vĩ mô, trong đó có quy hoạch và các mô hình kinh tế đã qua kỳ “trăng mật” , đang cần được tháo gỡ và chuyển đổi mạnh mẽ cũng là thách thức không nhỏ. Chỉ riêng mục tiêu, tính chất, chức năng và lộ trình để hoàn thành, phát huy sức thu hút các nguồn lực nội địa, khu vực trước khi nâng tầm quốc tế đối với Trung tâm Tài chính quốc tế ở TPHCM đã là một trọng trách lớn. Sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng; sự trưởng thành và bền vững của thị trường chứng khoán; tính cộng sinh và tăng trưởng mạnh của các nguồn quỹ đầu tư, bảo hiểm, quản lý quỹ, quản lý tài sản, quản trị rủi ro… đều là bảo chứng cho một không gian lẫn nội lực của một trung tâm - một thành phố tài chính của quốc gia, khu vực hiện diện qua TPHCM.

Hoặc, qua cơn đại dịch, chính sách lao động, giữ chân người lao động (chú trọng đến khu vực lao động phi chính thức) phải gắn liền với các điều kiện chế độ chính sách đủ tốt, nhà ở, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế cơ sở đủ mạnh và nhất là môi trường lao động, năng suất và hiệu quả lao động được trả tương xứng với sức lao động, thời gian gắn bó với doanh nghiệp thành phố. Đi cùng đó là hoạt động an sinh xã hội cần được đặt để, nâng tầm thành một chương trình quốc gia về an sinh, gắn với các chính sách an sinh xã hội được pháp luật bảo trợ, nhà nước huy động các nguồn lực xã hội, có sức tác động, chăm lo toàn diện, cụ thể, sát thực.

Vấn đề còn lại là tiếp tục xác lập cơ cấu kinh tế và (tốc độ) chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố như thế nào. Thành phố dịch vụ - công nghiệp định hướng công nghệ cao này sẽ chú trọng tập trung vào những ngành mũi nhọn nào, bước chuyển từ một số ngành trọng điểm sang đa ngành, tìm thấy sự đa dạng của thị trường, từ thị trường nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ bằng cách nào. Trong những bước chuyển ấy, quỹ đất, nhà máy, phân xưởng hiện hữu sẽ được xử lý ra sao. 

Thể chế và quản trị (bộ máy, con người, cơ chế lương thưởng, mô hình chính quyền đô thị ứng dụng công nghệ trong quản lý, chuyển đổi số trong quản trị công) sẽ được phân lập, phân cấp, thí điểm, triển khai phổ biến như thế nào. Trong phép tính tài chính công từ nguồn thu ngân sách được giữ lại giữa thành phố và trung ương, việc sắp xếp/tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cho đến cơ chế quản lý sử dụng hiệu quả tài sản công, cách nào để gặt được hiệu quả mà đúng chủ trương, trúng quy định? Khơi dậy các nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia khai thác, vận hành, sử dụng các dự án hạ tầng, đô thị và công trình kinh tế - xã hội khác nhau để tổng hợp thành sức mạnh xã hội…

Đặt ra những câu hỏi trọng tâm và giải những câu hỏi này là cú chuyển mình toàn diện của thành phố trong giai đoạn tới. 

Tin cùng chuyên mục