Cú đột phá ở Nhà hát Kịch 5B

Cú đột phá ở Nhà hát Kịch 5B

Mở đầu năm mới 2008 này, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đã làm một cú đột phá ngoạn mục.  Đó là cùng lúc ra mắt hai vở mới được dư luận đánh giá “chất lượng cao”, mở màn cho đợt ra mắt kịch Tết năm nay ở TPHCM.  Đó là vở Đôi bờ (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Trần Minh Ngọc) và vở 270gr (tác giả - đạo diễn Lý Khắc Lynh).  Điều đáng nói là cả hai vở này đều là  thành phẩm của sự hợp tác tốt đẹp giữa nhà hát và những tư nhân góp vốn làm sân khấu: Tuyết Thu với Đôi bờ và Mỹ Uyên với 270gr.

Đôi bờ:  Soi mình vào dòng sông phận người.

Cú đột phá ở Nhà hát Kịch 5B ảnh 1
Cảnh trong vở “Đôi bờ”.

Triết học phương Đông cho rằng vũ trụ cũng như con người được hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên hai cực đối lập nhưng lại hòa quyện và bổ sung cho nhau như một quy luật, đó là âm và dương.

Cuộc đời của một con người, từ khi sinh ra, lớn lên cho đến ngày mãn phần, trở về với cát bụi là một chuỗi dài của sự chọn lựa, đấu tranh giữa đôi bờ âm dương để sinh tồn phần xác và hoàn thiện phần hồn. 

Vở kịch Đôi bờ của tác giả Lê Duy Hạnh đã như một cuộc hành hương, đưa ta về cội nguồn của Đông phương học để cùng chiêm nghiệm và soi mình.  Trong dòng sông phận người, liệu ta có đủ bản lĩnh làm một chiếc cầu yên ả nối liền đôi bờ âm dương ấy?

Rõ ràng người đàn ông tên Lâm (Thanh Hoàng) trong vở đã để cuộc đời mình chới với giữa dòng sông dài.  Thời trai trẻ, ông bỏ người yêu lại nơi phố thị, vào rừng theo lý tưởng kháng chiến.  Hòa bình, ông mang theo người vợ cưới trong chiến tranh về thành. 

Gặp lại Nguyệt (Mỹ Uyên), người yêu xưa, dòng sông êm đềm trong ông bỗng gợn sóng.  Chưa hẳn là tình yêu, cũng không phải là sự nhẹ dạ, mối quan hệ giữa họ vừa gần vừa xa.  Gần vì dư âm một thời xưa cũ, xa vì người đàn ông đã là của người đàn bà khác; gần vì đã trao nhau máu thịt, xa vì người phụ nữ không chia sẻ nỗi khó khăn đời thường. 

 Người vợ tên Hà (Tuyết Thu) theo chồng về TP trong nỗi xót xa đứa con bé bỏng duy nhất phải nằm lại nơi núi rừng.  Chị không đem lại gì cho chồng giữa bộn bề túng thiếu ngoài sự tận tụy, hiếu thảo.  Dòng chảy trong Hà tưởng một đời lặng lẽ trôi cho đến ngày cuộn sóng trước một sự thật quá phũ phàng.  Người chị kết nghĩa  lại là tình địch và đứa con nuôi lại chính là giọt máu rơi của chồng.

Tình tiết vở kịch được xây dựng cứ như một sự cút bắt.  Mở đó rồi lại thắt đó.  Cơn sóng vừa giận dữ ở khúc sông này đã dịu dàng ở đoạn sông kia.  Suốt vở, trái tim khán giả như bị giằng xé theo cơn chới với của từng nhân vật.  Mỹ Uyên trong vai Nguyệt và Tuyết Thu trong vai Hà đã làm khá tốt vai trò của hai bờ tương phản. 

Nếu như Nguyệt là hiện thân của sự cào xé, dữ dội thì Hà là biểu trưng của sự cam chịu, trầm uất.  Không chỉ có  Lâm, Nguyệt, Hà phải trực diện chiến đấu với bản thân mình mà ngay cả Hằng (Tuyết Mai), cô gái mới lớn cũng bị ném vào dòng chảy thử thách khi phải chọn lựa ở lại với mẹ nuôi hay đi theo mẹ ruột tìm cuộc sống mới,  cả với Hùng (Công Ninh), một vai đệm cũng có những giây phút băn khoăn với chính mình.

Nhưng điều lạ là hai nhân vật gây “náo loạn” sân khấu nhất, ông Năm đờn (Thành Hội) và bà Tư cận (Ái Như) là những người dường như không bị vướng vào chiếc bẫy của trận địa “đôi bờ”.  Có lẽ vì họ có một cuộc đời thẳng ngay, một cách sống hồn nhiên, một tình yêu chung thủy.  Đôi bạn già Năm đờn – Tư cận trong vở như một loài dây leo, mỏng manh nhưng lại làm cho thân cây chính trở nên mềm mại, xanh tươi.  Vốn là những người bạn tri kỷ trong sáng tác và dàn dựng nhiều vở kịch trước đây, Thành Hội và Ái Như với tài diễn xuất và quăng bắt, đã đem lại cho vở những tiếng cười sảng khoái và ý nhị.

Và câu chuyện tình 270gr

Cú đột phá ở Nhà hát Kịch 5B ảnh 2
Cảnh trong vở “270gr”.

Họ là ba người bạn, một gái hai trai, vốn là những đứa trẻ mồ côi, chơi thân với nhau từ thuở bé. Lớn lên, họ vẫn cùng nhau ở chung trong một căn nhà.  Và điều không muốn lại đến.  Hai chàng trai đều muốn trao trái tim nặng 270gr của mình cho cô gái. Một hôm, Phú (Trí Quang), trong lúc lao vào cứu Nam (Huy Khánh), đã lãnh tai nạn thay bạn khiến đôi chân bị tàn phế phải ngồi xe lăn. 

Hàm ơn Phú và cũng muốn bạn bớt mặc cảm trở thành gánh nặng, Nam  tìm đủ cách để làm bạn vui, kể cả việc chấp nhận cho Thủy (Mỹ Uyên) – người yêu của mình, công khai làm bạn gái của Phú. Nhưng trái tim con người không phải là một cái máy tính với những bài toán, cho dù đó là bài toán của tình bạn, của ân nghĩa.  Trái tim nặng 270gr đã tìm cách lên tiếng.

Vở kịch 270gr được Lý Khắc Lynh viết và dàn dựng dựa trên truyện ngắn Người đại diện của nhà văn Anh A St John Adcock mà anh tình cờ đọc được trên một tờ báo. 

Sự sáng tạo mới mẻ  trong dàn dựng mà Lý Khắc Lynh đã đem lại cho người xem qua vở 270gr là tạo ra một cuộc song hành khá thú vị giữa  hai tuyến nhân vật trên sân khấu và trên màn ảnh.  Một màn hình lớn được đặt giữa sân khấu.  Nó vừa làm nhiệm vụ của một video clip, giới thiệu danh tánh những người làm vở, vừa như một cuộn phim của ký ức,  vừa như tiếng lòng của các nhân vật trên sàn diễn, có lúc bỗng trở về màu trắng nguyên thủy như một tấm gương để các nhân vật tự soi mình.  Điều đó vừa tạo cảm giác lạ cho khán giả trong cái nhìn, vừa đem lại niềm xúc động trong cái cảm và mang đến những ý tưởng trong cái nghĩ.

Giữa hình ảnh những đứa trẻ bụi đời bơ vơ không nhà cửa, không người thân đã tựa vào nhau tìm hơi ấm, đã nép mình nhờ vào chiếc đầu máy xe lửa cũ tránh mưa trong những đêm  lạnh giá trên màn ảnh và cảnh hai chàng trai và một cô gái trưởng thành đang làm cho trái tim nhau đau đớn trên sàn diễn là một quãng cách mang ý niệm về không gian và thời gian.
 
Cùng có một nền tảng kịch bản văn học hay, cùng có những sáng tạo mới trong dàn dựng, cùng có một dàn diễn viên trẻ đồng đều về sắc vóc lẫn tay nghề, cùng có một dàn bao tài năng, giàu sức diễn, vì  vậy, tuy mới ra mắt, hai vở kịch Đôi bờ và 270gr đã trở thành những vở “hot” nhất của Nhà hát 5B. 

Nhật Lam

Tin cùng chuyên mục