Cú hích để doanh nghiệp tư nhân phát triển

Bộ KH-ĐT đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Một điểm quan trọng trong dự thảo là mục tiêu khu vực DN đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Đóng góp ý kiến, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mục tiêu trên chưa làm rõ được tỷ trọng, vai trò của khu vực DN tư nhân trong nước như thế nào so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi, DN trong nước mới là động lực bền vững lâu dài, rường cột cho sự phát triển của quốc gia. Do đó, dự thảo cần đưa ra yêu cầu về tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ để phát triển DN tư nhân. 

VCCI cũng đề nghị Bộ KH-ĐT cân nhắc, sử dụng một số mục tiêu cụ thể hơn về phát triển DN tư nhân trong nước như đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% GDP (hiện mới đóng góp khoảng 9% GDP). Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ; đến 2025 chuyển đổi ít nhất 10% số hộ kinh doanh có đăng ký chính thức sang thành DN hoạt động theo Luật DN.

Bên cạnh đó, dự thảo chưa thể hiện rõ nội dung về giải pháp để thúc đẩy đạt được mục tiêu về số lượng 1,5 triệu DN đăng ký thành lập. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển DN (về số lượng và chất lượng) là nâng cấp, phát triển DN từ các hộ kinh doanh. Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đây vẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển DN ở Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam cần có một môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho DN tư nhân phát triển. Những năm qua, chúng ta nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển nhưng mới thiên về giảm chi phí gia nhập thị trường. Thực tế, trong quá trình hoạt động, DN vẫn gặp nhiều rào cản, tức là môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch. Khác với văn bản pháp lý, thực tế sự phân biệt đối xử vẫn nặng nề, nhất là trong phân bổ nguồn lực. Thực tế, nguồn lực lớn đang ở trong tay DN nhà nước, do có yếu tố lịch sử; tiếp đến là DN FDI (luôn dễ tiếp cận nguồn lực đất đai hơn DN Việt Nam); với DN trong nước thì DN lớn dễ tiếp cận nguồn lực hơn DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

Do đó, theo các chuyên gia, cần thiết phải có giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp, gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh; có giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành DN; có chính sách, chương trình hỗ trợ đối với các nhóm DN mới thành lập, để các DN này có thể trụ vững và duy trì hoạt động trên thị trường. Bên cạnh đó, để lực lượng DN tư nhân phát triển, cần có chính sách khuyến khích phát triển ngành trong một thời gian nào đó và DN nào tham gia thực hiện các chương trình, dự án lớn mà Nhà nước định hướng phát triển thì DN tham gia được thụ hưởng; đồng thời có chính sách khuyến khích DN đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới công nghệ…  

Tin cùng chuyên mục