Cử nhân, thạc sĩ làm nông

Nhận thấy được thế mạnh triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương, nhiều cử nhân, thạc sĩ tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã lựa chọn con đường khởi nghiệp từ chính những nông sản đặc trưng của phố núi và từng bước tạo lập được chỗ đứng.

Nhận thấy được thế mạnh triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương, nhiều cử nhân, thạc sĩ tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã lựa chọn con đường khởi nghiệp từ chính những nông sản đặc trưng của phố núi và từng bước tạo lập được chỗ đứng.

Chàng cử nhân mê hoa lan

Vừa chia tay đoàn tham quan của Hiệp hội hoa cao nguyên Cameron (Malaysia), anh Phan Thanh Sang (33 tuổi, phường 9, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) lại tất bật quay trở về với công việc chăm sóc hoa. Làm quen với lan rừng từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Đà Lạt, tuy nhiên phải đến khi cầm tấm bằng kỹ sư nông lâm trong tay, anh Phan Thanh Sang mới dồn hết đam mê, nhiệt huyết vào những cánh hoa. Anh Sang cho biết, năm 2007 khi vừa tốt nghiệp đại học, với số tiền ít ỏi tích góp được và vay mượn thêm từ bạn bè, người thân, anh đầu tư phòng thí nghiệm hết 200 triệu đồng, với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống. Sau đó, lần lượt nhiều giống lan hoàn toàn mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Đà Lạt được lai tạo, như lan hài, lan hoàng thảo, lan vũ nữ, lan hồ điệp và một số giống phong lan rừng đặc trưng tại Việt Nam.

Anh Phan Thanh Sang chăm sóc hoa lan trong trang trại

Được đào tạo bài bản kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn nên anh Sang rất thành thục kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan. Trong khi phần lớn các cơ sở sản xuất hoa lan theo mô hình công nghiệp tại địa phương phải nhập khẩu giống từ nước ngoài thì tại trang trại của gia đình, bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào (in vitro), anh đã tự sản xuất lan để giảm chi phí. Anh đầu tư hệ thống nhà kính hiện đại với đầy đủ máy đo nhiệt độ, hệ thống thông gió, làm mát, đáp ứng tốt nhất cho sự sinh trưởng của hoa theo từng giai đoạn.

Khi chất lượng hoa lan đã được thị trường ghi nhận và đánh giá cao, anh Sang quyết định xây dựng thương hiệu YSA Orchid. Anh Sang cho biết, quá trình kinh doanh, anh dành nhiều thời gian trao đổi cùng bạn hàng, sưu tầm những giống lan trong và ngoài nước, từ đó lai tạo, ươm giống để cho ra đời những rọ lan hoàn toàn mới, phục vụ công tác bảo tồn, lưu trữ các giống lan. Sau 10 năm, hiện nay thương hiệu hoa lan Đà Lạt YSA Orchid đã có 3 khu trang trại với tổng diện tích hơn 10ha, trồng các loại hoa phù hợp với từng loại khí hậu khác nhau như: tại TP Đà Lạt trồng các loại địa lan; tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trồng lan hồ điệp và trang trại tại huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng các giống hoa lan của xứ nóng. Đồng thời với việc mở các trang trại trồng lan, anh đã tạo việc làm cho hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số tại các địa phương.

Hiện nay hoa từ trang trại YSA Orchid đã có mặt ở hơn 30 cửa hàng trong toàn quốc và xuất khẩu hơn 100.000 cành/năm, đem lại thu nhập bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, anh Phan Thanh Sang còn là người sưu tầm, bảo tồn nhiều loài lan quý hiếm của Việt Nam và thế giới... Bằng các phương pháp như thụ phấn chéo, nuôi cấy tế bào in vitro tạo mô sẹo..., anh đã cho ra đời hàng loạt giống lan có màu sắc, hình dáng bắt mắt, điển hình như: Dendrobium Nobile Hydrid; Mitoniopsis, Hồ điệp, Catlleya… được giới chuyên môn về hoa lan đánh giá cao.

Thạc sĩ về vườn làm rau sạch

Tốt nghiệp cao học với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành lịch sử, rồi vào công tác trong một cơ quan nhà nước của tỉnh Lâm Đồng nhưng anh Lê Quốc Đức (30 tuổi, phường 5, TP Đà Lạt) lại quyết định nghỉ việc về trồng rau an toàn. Anh Đức chia sẻ: “Bắt tay vào làm mình cũng không có nhiều vốn liếng, phải mượn tiền, nhờ bạn bè phụ giúp rồi tìm chỗ thuê đất. Khu nhà kính trồng rau gần 2.000m2, chi phí đầu tư đến nay cũng hơn 1 tỷ đồng, gồm hệ thống ống thủy canh nhập từ Thái Lan, khung sắt nhà kính…”.

Anh Lê Quốc Đức hướng dẫn khách cách thu hoạch, đóng gói rau thủy canh

Song song với việc xây dựng nhà kính, anh Đức đã liên hệ với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn và ở TPHCM để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm rau sạch của trang trại. “Chu kỳ rau thủy canh rất nhanh, từ lúc trồng trong hệ thống tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 25 - 30 ngày nên phải chuẩn bị tốt đầu ra. Đặc biệt, rau cung cấp liên tục nên tôi trồng từng đợt nối tiếp nhau, không sợ thiếu hàng”, anh Đức cho biết. Bên cạnh đó, trang trại của anh cũng đón từ 200 - 400 lượt khách/ngày vào tham quan miễn phí. Nhiều du khách tin tưởng sản phẩm rau an toàn, mua về dùng. Chỉ tính lượng khách lẻ đã tiêu thụ hàng chục ký rau sạch mỗi ngày, đó cũng là nguồn tiêu thụ ổn định của trang trại. Giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, doanh thu từ vườn rau đạt trên 250 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu về chiếm khoảng 40%. “Chi phí ban đầu bỏ ra để trồng rau thủy canh khá cao, việc duy trì hoạt động của nó cũng rất tốn kém, nhưng nếu nguồn hàng tiêu thụ ổn định như hiện nay, sau một năm là mình có thể thu hồi vốn đầu tư”, anh tâm sự.

Sắp tới, chàng thạc sĩ trẻ sẽ tiếp tục đầu tư trồng rau xà lách xoong, rau muống thuỷ canh… và mở rộng diện tích để trồng dâu tây phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời kết hợp mổ rộng mô hình sinh thái cho trang trại.

ĐOÀN KIÊN

Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ?

Thời gian gần đây, khái niệm thực phẩm hữu cơ và nông nghiệp sản xuất hữu cơ được đề cập khá nhiều trên truyền thông cũng như các diễn đàn, hội thảo. Rất nhiều doanh nghiệp từ nuôi trồng đến kinh doanh sữa bò, rau, lúa, chè, hoa quả,… đã tự phong sản phẩm của mình là “thực phẩm hữu cơ”. Thế nhưng, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện tại Việt Nam chưa cấp chứng nhận hữu cơ cho bất cứ doanh nghiệp nào. Trên thực tế, năm 2015, Bộ KH-CN đã ban hành bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về về thực phẩm hữu cơ, nhưng các quy định trong đó vẫn chưa rõ ràng, nên không thể áp dụng trong thời gian qua. Được biết, thời gian tới Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN sẽ làm việc để cùng đưa ra tiêu chí thế nào là thực phẩm hữu cơ - nông sản hữu cơ, có hướng dẫn để các doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận thực hiện. Đồng thời phải có sự kết nối để những tổ chức quốc tế thừa nhận bộ tiêu chuẩn đó của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL, thuộc Bộ KH-CN, đơn vị trực tiếp xây dựng, phát triển hệ thống TCVN), hiện nay, 87 quốc gia trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy định về nông nghiệp hữu cơ. Hoa Kỳ có quy định về sản phẩm hữu cơ được nêu trong Bộ luật Liên bang; Nhật Bản có quy định về nông nghiệp hữu cơ được xây dựng trên nền tảng tiêu chuẩn Codex với các yêu cầu bổ sung gồm 4 tiêu chuẩn cụ thể về cây trồng hữu cơ, thực phẩm chế biến hữu cơ, các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trung Quốc hiện cũng có bộ tiêu chuẩn GB/T 19630 về sản phẩm hữu cơ gồm 4 phần liên quan tới sản xuất, quá trình, dán nhãn và tiếp thị, hệ thống quản lý; Thái Lan có bộ tiêu chuẩn TAS 9000 về nông nghiệp hữu cơ gồm 1 tiêu chuẩn chung xây dựng trên nền tiêu chuẩn của Codex và 2 tiêu chuẩn cho lĩnh vực chăn nuôi hữu cơ và thức ăn thủy sản hữu cơ…

Đối với Việt Nam, năm 2015, Bộ KH-CN công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, trong năm 2017, Tổng cục TCĐLCL sẽ tổ chức soát xét sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 cho phù hợp với các bên tham gia sử dụng tiêu chuẩn trong thực tiễn, đồng thời tổ chức xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN hướng dẫn về chương trình chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở của nguyên tắc chứng nhận được quy định tại ISO/IEC 17065 và các yêu cầu đặc thù của lĩnh vực. Ông Nguyễn Nam Hải khẳng định, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia TCVN về nông nghiệp hữu phải hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với tiêu chuẩn đã thống nhất trong ASEAN để đảm bảo yêu cầu hội nhập, đồng thời phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Theo đó, Tổng cục TCĐLCL sẽ tiếp tục xem xét, tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia TCVN nhằm hướng dẫn chi tiết quá trình sản xuất hữu cơ trong một số lĩnh vực cụ thể như sản xuất hữu cơ trong trồng trọt hay sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi, đồng thời gắn việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN về sản phẩm hữu cơ đối với một số sản phẩm cụ thể có tiềm năm xuất khẩu lớn như gạo, cà phê, tôm... với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia. Rõ ràng, để thúc đẩy người dân tham gia sản xuất hữu cơ, cũng như tạo lòng tin cho người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bên cạnh việc quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước thì việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng là điều cần phải được đẩy nhanh!

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục