Mỹ đang gây sức ép lên Iran về cái mà Washington cho là âm mưu ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, mặc dù Iran đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Mỹ cho biết 2 nghi can người Mỹ gốc Iran là Manssor Arbabsiar, 56 tuổi, và Gholam Shakuri làm việc cho cơ quan an ninh Qud, thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, liên quan đến vụ mưu sát Đại sứ Adel al-Jubeir. Họ đã nhận lệnh từ Iran nhằm đặt bom tại một nhà hàng ở Washington để giết ông Adel al-Jubeir. Arbabsiar đã bị bắt tại Mỹ trong khi Shakuri vẫn còn ở Iran và Mỹ đang gây sức ép đòi Iran truy tố hoặc trục xuất ông này.
Tuy nhiên, báo chí Mỹ cho rằng sở dĩ Mỹ đã không đưa ra được các bằng chứng cho cáo buộc của mình là vì lực lượng tình báo của Mỹ gặp vấn đề. Tờ The Christian Science Monitor cho rằng, trong lúc các nhà ngoại giao Mỹ muốn có thêm bằng chứng trưng ra nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép với Iran thì lực lượng tình báo đã làm họ thất vọng. Vì vậy, khả năng Mỹ đưa vấn đề này ra HĐBA LHQ sẽ khó tránh được thất bại.
Theo ông Wayne White, cựu quan chức cấp cao Cục Tình báo và Nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ: “Bất chấp bằng chứng như thế nào đi nữa, Nga và Trung Quốc (trong HĐBA LHQ) cũng sẽ thận trọng và yêu cầu có nhiều chi tiết rõ ràng hơn. Mỹ không thể đáp ứng điều này”. Về phía lực lượng tình báo Mỹ, họ nêu ra nhiều lý do khiến họ không thể công bố chi tiết các bằng chứng, trong đó có vấn đề bảo mật thông tin, nhưng tựu trung lại, nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng rất có thể đó chỉ là lời khai của các cá nhân và không có cơ sở rõ ràng, kiểu như việc tình báo Mỹ cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Chẳng hạn bằng chứng kiểu như một cuộc điện thoại của các quan chức Iran ra lệnh ám sát Đại sứ Saudi Arabia, sẽ là điều không tưởng.
Nhiều tờ báo tại Mỹ dẫn lời những người bạn thân của Manssor Arbabsiar, một trong 2 nghi can, đều phì cười về khả năng làm tình báo của ông này, kiểu như “điệp viên 00 thấy” Mr Bean. David Tomscha, một người bạn của Arbabsiar nói với Hãng tin AP rằng, thật khó tưởng tượng một người như Arbabsiar có thể làm chuyện lớn vì anh này không có đầu óc tổ chức, làm trước quên sau, thường xuyên để quên chìa khóa và các vật dụng khác.
Hơn nữa Arbabsiar chỉ thích hợp với kinh doanh hơn là làm chính trị. Nhiều chuyên gia phân tích tại Trung Đông cũng hoài nghi về cáo buộc của Mỹ với Iran. Michel Naufan, biên tập viên tờ al-Mustaqbal của Lebanon đặt câu hỏi: “Tại sao Mỹ lại đưa ra cáo buộc vào thời điểm này khi mà ông Obama đã được báo cáo hồi tháng 6? Người Iran không thể tiến hành vụ ám sát này tại Washington”. Nhà phân tích người Lebanon Nabil Bu Monsef nói: “Bằng chứng này chưa đủ sức thuyết phục”.
Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn cho rằng diễn biến mới này có thể sẽ buộc Mỹ siết chặt cấm vận Iran hoặc không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự. Mỹ đã áp đặt 3 lệnh cấm vận đối với Iran và xem ra biện pháp này chưa có tác dụng, Iran vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển hạt nhân. Theo các nhà phân tích, căng thẳng Mỹ-Iran khó có thể leo thang thành chiến tranh vì Mỹ đang khó khăn về kinh tế, không thể tiến hành thêm một cuộc chiến nào nữa.
Vấn đề là Mỹ đang chuẩn bị bước vào năm bầu cử, do đó căng thẳng hiện tại có thể xuất phát từ động cơ chính trị. Có lẽ đây là cú ra đòn của Tổng thống Mỹ Barack Obama với Iran vì ông bị phe Cộng hòa cho là chưa tạo thêm được sức ép nào lên Iran kể từ khi lên cầm quyền từ năm 2008 tới nay.
Thụy Vũ