Cú sốc với nền kinh tế toàn cầu

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đang diễn ra khiến chúng ta chứng kiến sự hình thành một trật tự địa chính trị hoàn toàn mới, với những tác động sâu sắc và khó lường trong nhiều thập niên tới, đi cùng những hệ quả trực tiếp trước mắt. 

Thứ nhất, quan hệ Nga - Mỹ tan vỡ. Đối với Mỹ, hành động quân sự của Nga đặt ra thách thức trực tiếp đối với trật tự quốc tế và cấu trúc khu vực mà Mỹ muốn duy trì. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại bỏ lựa chọn đối sách quân sự, cho thấy Mỹ không muốn mạo hiểm với nguy cơ xảy ra chiến tranh với nước Nga. Thay vào đó, Mỹ đã áp dụng các biện pháp cấm vận và trừng phạt kinh tế Nga “nghiêm trọng nhất từ trước tới nay”. Các biện pháp trừng phạt này được Nga coi đó là một hành động chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao. Các cuộc gặp ngoại trưởng Nga - Mỹ và cuộc gặp giữa nguyên thủ hai bên đều đã bị hủy bỏ.

Thứ hai, châu Âu sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh. Việc Đức từ bỏ quan điểm lâu năm trung lập về quân sự và thậm chí là cả những liên kết kinh tế với Nga có ý nghĩa rất lớn, trong khi các nước láng giềng gần đó là Phần Lan và Thụy Điển cũng hướng đến việc trở thành thành viên NATO.

Thứ ba, hành động quân sự của Nga sẽ khiến Mỹ phải điều chỉnh chính sách. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã tiến hành các hoạt động can thiệp quân sự trên khắp thế giới dựa trên chiến lược xây dựng trật tự quốc tế tự do. Sự mở rộng về phía Đông của NATO là một phần của điều đó. Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ đã thất bại với cái giá rất lớn. Mỹ không có đủ sức mạnh để thực hiện một chiến dịch hai mặt trận, đó là đối đầu với Trung Quốc ở phía Đông lục địa Á - Âu và với Nga ở phía Tây. Trong khi đó, Trung Quốc luôn là một mối quan tâm chủ chốt đối với Mỹ trong suốt thập niên qua, và điều này đã thể hiện rõ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Nhà Trắng mới ban hành hồi tháng trước. Ngoài ra, thỏa thuận an ninh AUKUS của Mỹ cùng Anh và Australia cũng đã thể hiện rõ mục tiêu cạnh tranh.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine sẽ khiến Mỹ phải chuyển hướng sang châu Âu. EU và Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của nhau, với thương mại hàng hóa và dịch vụ đạt tổng trị giá 1.100 tỷ USD vào năm 2019. Một châu Âu hòa bình, hoạt động tốt sẽ có lợi cho chính sách đối ngoại của Mỹ - về biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, y tế công toàn cầu và kiểm soát căng thẳng với Trung Quốc hoặc Nga. Nếu châu Âu bất ổn, thì Mỹ sẽ đơn độc hơn nhiều trên vũ đài thế giới.

Một sự thay đổi lớn nữa phải kể đến là an ninh năng lượng. Bất cứ hành động nào gây gián đoạn nguồn cung của Nga đều gây hậu quả không thể dễ dàng khắc phục. Giá dầu và khí đốt tăng mạnh mới đây sẽ gây thêm gánh nặng cho việc cân bằng giữa tăng trưởng và phục hồi vốn đã khó đạt được, đặc biệt là ở châu Âu, có nhập khẩu ròng đáng kể dầu mỏ và khí đốt.

Ngay cả trước khi xe tăng của Nga lăn bánh vào Ukraine hôm 24-2, các chính phủ phương Tây đã phải vật lộn với việc giá năng lượng tăng cao có nguy cơ gây gián đoạn cho các nền kinh tế đang hồi phục sau 2 năm đại dịch.

Theo Daniel Yergin, Phó chủ tịch công ty tư vấn IHS Markit và là tác giả cuốn sách The New Map: Energy, Climate, and the Clash of Nations (2020): “Giai đoạn tiếp theo là một cuộc chiến kinh tế. Hậu quả cuối cùng của việc này có thể là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Tin cùng chuyên mục