Cử tạ Việt Nam "đánh rơi" huy chương

Thêm một lần nữa trong môn cử tạ, dù là thể thao người khuyết tật, lực sĩ Nguyễn Bình An (đang có mặt tại Paralympic Rio de Janeiro 2016) thất bại trong cả 3 lượt cử để rồi không đạt kết quả chung cuộc nào. Dù thực tế, khả năng của VĐV đủ sức tranh chấp ở nhóm đầu...

Thêm một lần nữa trong môn cử tạ, dù là thể thao người khuyết tật, lực sĩ Nguyễn Bình An (đang có mặt tại Paralympic Rio de Janeiro 2016) thất bại trong cả 3 lượt cử để rồi không đạt kết quả chung cuộc nào. Dù thực tế, khả năng của VĐV đủ sức tranh chấp ở nhóm đầu...

Từ Olympic tới Paralympic

Nguyễn Bình An đăng ký khởi điểm là 178kg tại Paralympic 2016. Lượt cử đầu thất bại rồi tiếp tục lượt thứ 2 và thứ 3 lực sĩ này không thành công. Kết quả khiến tất cả chưng hửng. Bởi lẽ, thực lực bản thân của Bình An trong nhiều giải quốc tế (hạng 54kg) đã nhiều lần vượt cân nặng tạ trên 183kg. Tức là, nếu trong tối thi đấu 9-9 tại Paralympic ở Rio de Janeiro, Ban huấn luyện đội cử tạ thể thao người khuyết tật có chiến thuật hợp lý thì ít nhất, Bình An đã có thể giành được chiếc HCĐ quý giá. Thêm sự tiếc nuối vì lực sĩ giành HCĐ tại Paralympic 2016 lần này là Dimitrios (Hy Lạp) cũng chỉ đạt mức tạ 162kg.

Vẻ thất vọng của Bình An. Ảnh: T.L

Cách đây 3 tuần, cử tạ Việt Nam rất được kỳ vọng tại Olympic 2016 (cùng thi đấu ở Rio de Janeiro-Brazil). Cũng như môn cử tạ của thể thao người khuyết tật thì các lực sĩ của cử tạ thể thao thành tích cao đã tin tưởng có kết quả huy chương. Vậy nhưng, VĐV Thạch Kim Tuấn (56kg) thất bại hoàn toàn trong cả 3 lượt cử đẩy để rồi không đạt kết quả chung cuộc. Rõ ràng, cử tạ Việt Nam đã thất bại hoàn toàn tại Olympic 2016 và phần nào đó sai sót với phương pháp thi đấu dành cho lực sĩ Bình An.

SGGP Thể Thao đã có những chia sẻ với Vụ phó Vụ thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) Đỗ Đình Kháng. Là người phục trách môn cử tạ, ông Kháng bày tỏ quan điểm rằng trong thi đấu khi tất cả đều... tung hỏa mù thì khó phân định. Do vậy, từng VĐV được tố tạ trực tiếp thì mới biết được năng lực thế nào. Đó là nhận xét của người làm chuyên môn. Nhưng, bằng cảm quan bên ngoài thì ai cũng thấy, chiến thuật là không hợp lý nên vì quá tự tin và tin chắc giành được huy chương nên HLV và nhà quản lý đã vội đăng ký mức tạ cao. Thực tế, khi tập luyện và đã tranh tài trước đây vẫn khác hoàn toàn với một giải có tính chất quan trọng cần kết quả huy chương là cao nhất.

Liệu có rút kinh nghiệm

Thành công bằng tấm HCV lần đầu lịch sử cho môn cử tạ tại một kỳ Paralympic của lực sĩ Lê Văn Công (và thêm HCĐ của nữ lực sĩ Linh Phượng) được ghi nhận đáng kể. Nhưng, những lực sĩ và HLV, nhà quản lý thể thao thành tích cao (trong môn cử tạ) hẳn lẽ đã thấy một sự thất thế trước các đồng nghiệp của thể thao người khuyết tật. Dù so sánh giữa thể thao người khuyết tật với thể thao thành tích cao là khập khiễng, nhưng ai giành được huy chương, vẫn là người chiến thắng.

Sau Olympic 2016, Tổng cục TDTT đã làm việc với các Vụ thể thao thành tích cao cùng các bộ môn và hoạch định kế hoạch cho 3 trọng tâm là SEA Games 2017, Asian Games 2018, Olympic 2020. Môn cử tạ, trong hạng cân nhỏ, vẫn được tập trung đầu tư. Tuy nhiên, qua 2 lần thất bại hoàn toàn ở Olympic 2012, 2016 thì nhà quản lý không thể không có thay đổi và rút kinh nghiệm. Từng HLV và VĐV có năng lực cụ thể đồng thời giành được huy chương nhiều giải quốc tế nhưng vào đại hội quan trọng bậc nhất là Olympic mà không thành công thì vẫn thất bại.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục