Cụ thể hóa việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Sáng 23-10, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.
Cụ thể hóa việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm

(SGGP).- Sáng 23-10, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.

Theo đó, việc xử lý và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện cụ thể như sau: người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó. Trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.

Đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Đối với người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Các trường hợp phải bỏ phiếu tín nhiệm, quy trình bỏ phiếu cũng được đề nghị sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi xảy ra một trong các trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; khi có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Qua thẩm tra, UB Pháp luật tán thành Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, Thường trực UB Pháp luật cũng phân tích, việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong dự thảo nghị quyết còn phức tạp, qua nhiều khâu, chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 cũng như các văn bản liên quan đến công tác đánh giá cán bộ. Do đó, đề nghị quy định với người có số phiếu tín nhiệm thấp thì đã đủ căn cứ để thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức mà không cần qua thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”. Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ nội dung này vào chiều 29-10 và tại hội trường ngày 10-11. Phiên thảo luận tại hội trường sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Trong phiên họp sáng qua, Quốc hội cũng đã nghe và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Dự thảo mới nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư trình Quốc hội lần này đã bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư; không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư. Dự thảo cũng nêu rõ, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do khi từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa hoặc giấy chứng nhận tham gia tố tụng; sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi, điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, của luật sư nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định các biện pháp xử lý đối với luật sư nước ngoài vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong quá trình hành nghề tại Việt Nam.

Là một luật sư kỳ cựu, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, việc cấp/sử dụng/thu hồi thẻ hành nghề đang được Bộ Tư pháp quản lý khá chặt chẽ, không cần thiết sửa đổi theo hướng cứ 5 năm cấp lại một lần. Tương tự, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa án hình sự cho luật sư cũng có nhiều phiền hà; thời gian cấp giấy theo quy định ít khi được bảo đảm, có trường hợp hàng tháng sau khi bị khởi tố, bị can cũng chưa được tiếp cận luật sư. Nên bỏ quy định cấp giấy này, còn nếu giữ thì phải bổ sung quy định xử nghiêm mọi hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, trì hoãn việc luật sư tiếp xúc với nghi can.  

ANH THƯ

Đại biểu Dương Trung Quốc: Hãy để người dân thấy rõ quyết tâm sửa lỗi của Chính phủ

Việc nhận lỗi của Thủ tướng có thể phần nào làm an lòng dân, nhất là các giải pháp nêu ra đã thể hiện tính quyết tâm sửa chữa, quyết tâm khắc phục. Nhưng phải nói rằng, phần nào người dân cũng sẵn có tâm lý đã được nghe các thành viên Chính phủ hứa nhiều, nhận khuyết điểm nhiều, mặc dù đây là lần đầu tiên Thủ tướng thẳng thắn nhận khuyết điểm. Mong rằng lời hứa ấy, quyết tâm ấy trở thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta đang đứng trước những khó khăn to lớn. QH cần có hình thức giám sát hiệu quả để có thể đánh giá quyết tâm sửa chữa đó được thể hiện trong thực tiễn như thế nào.

Về đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, điều băn khoăn nhất của tôi không phải vấn đề thủ tục mà là chất lượng các đại biểu QH khi thể hiện chính kiến bằng lá phiếu của mình. Bên cạnh thái độ khách quan, liệu có phải mọi đại biểu QH đều có đủ năng lực để đưa ra những quyết định phù hợp với lòng dân, với cử tri của mình không? Trong khi đó, với cách bỏ phiếu kín có thể dẫn đến việc người dân không giám sát được vị đại biểu QH mà mình bầu ra thể hiện thái độ cụ thể như thế nào?

Ở nhiều nước, bên cạnh việc QH và các tổ chức dân cử giám sát bộ máy hành pháp, người ta còn có những thiết chế để người dân giám sát được chính các vị đại biểu QH của mình để họ quyết định có tiếp tục tín nhiệm hay không tín nhiệm họ ở kỳ sau.

A.PHƯƠNG ghi


*****

Bất an vì thủy điện

Điểm đáng chú ý tại phiên thảo luận dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 23-10 là các đại biểu (ĐB) yêu cầu bổ sung các quy định liên quan đến sự an toàn của các đập thủy điện. Và trận động đất mạnh 4,6 độ richter vừa xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 tối 22-10 tiếp tục thổi bùng mối quan ngại của nhiều vị ĐBQH bên lề kỳ họp QH.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường.

Phát biểu từ góc độ địa phương nơi đặt thủy điện Sông Tranh 2 và chịu nhiều ảnh hưởng từ những trận động đất gần đây, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nên có một chương hay một số điều về vấn đề an toàn trong xây dựng thủy điện.

ĐB Lê Văn Lai kể đã kiến nghị điều này nhưng không được tiếp thu vì cơ quan soạn thảo cho rằng “đã được thể hiện trong Luật Tài nguyên nước” nhưng khi tra lại Luật Tài nguyên nước chỉ thấy khoản 3 Điều 53 đề cập đến an toàn công trình trong quản lý và vận hành. “Nếu nói như thế là đơn giản vì đó là việc sau. Còn an toàn nằm ở khâu thiết kế, thi công và điều đó lại liên quan đến sinh mạng của nhiều người, của một cộng đồng và đó là chuyện lớn. Tôi thiết tha đề nghị nên đưa nội dung về an toàn đập vào trong dự luật”, ĐB Lê Văn Lai nói. Qua những chấn động tại thủy điện Sông Tranh 2, động đất đã trở thành nỗi bức xúc của nhiều cử tri và điều đó cho thấy vấn đề an toàn đập thủy điện không chỉ là việc của riêng thủy điện Sông Tranh 2 mà có thể là của cả nước.

ĐB Y Mửi (Kon Tum) bổ sung thêm, phải quan tâm hơn đến vấn đề an toàn đập bởi nếu không có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Thực tế một số công trình thủy điện tại Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng đã để lại nhiều hậu quả xấu, gây bức xúc dù các cơ quan có trách nhiệm có nhiều tháo gỡ nhưng vẫn là thách thức không nhỏ.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng, tình trạng công trình thủy điện nhỏ và vừa tràn lan lên đến cả ngàn công trình nằm khắp đất nước với những thực tế nhức nhối như: tổ máy ở tỉnh này, tích nước ở tỉnh khác, kiểm soát khó. Trong khi đó, dự luật lại không đề cập rõ ràng quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề an toàn và điều này có thể gây những hệ quả về sau.

Tiếp thu những đóng góp của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ ghi nhận tất cả các đóng góp của các ĐB và sẽ hoàn thiện, báo cáo lại Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Trong đó, nội dung về an toàn của các đập thủy điện sẽ có những điều khoản nhất định trong dự thảo và sẽ trình để Quốc hội xem xét. 

NGỌC QUANG

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Võ Tuấn Nhân: Không an toàn thì phải đóng cửa

Cứ mỗi lần tích nước mỗi lần nổ như thế, cứ nói “theo khoa học chỉ là động đất kích thích, sẽ giảm dần cường độ”, nhưng thực tiễn xảy ra ngược lại thì phải nghi ngờ luận cứ đó. Tôi cũng biết đầu tư vào công trình quá lớn, rồi đây cũng phải tính trách nhiệm của ai, ai khảo sát địa chất, quy hoạch, ai phê duyệt quyết định đầu tư… nhưng tất cả những điều đó là về sau. Trước mắt phải là sự an toàn cho người dân. Chúng ta đau xót vì tốn kém tiền của đầu tư, nhưng nếu không đảm bảo an toàn mà không kiên quyết đóng cửa thì còn xảy ra những chuyện đau xót hơn! đây không phải chuyện của riêng Sông Tranh 2.

Về giải pháp xử lý, trước đây tôi đã đề nghị phải thành lập những tổ chuyên gia độc lập không phải của EVN, không do EVN chi trả để đảm bảo độc lập, khách quan. Cách thức thông tin với người dân như vừa qua cũng không ổn. Phải nói rõ với người dân là với con người hiện nay, trang thiết bị như hiện nay chỉ có thể kết luận đến mức đó. Đến nay đã lắp đặt đủ phương tiện thiết bị quan trắc đâu mà khẳng định ngay “an toàn”! Như vậy là không trung thực, thiếu trách nhiệm với dân.

Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Bùi Thị An: Chính phủ sớm có quyết định cuối cùng

Tôi tham dự nhiều hội nghị, gần đây nhất là phiên giải trình của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thì thấy những nhận định về công trình này rất không thống nhất, giữa các nhà khoa học với nhà thi công, cơ quan quản lý. Ngay cả các bộ có liên quan cũng không phải hoàn toàn thống nhất quan điểm. Giả định việc đầu tư ở đấy sai rồi thì phải mạnh dạn chỉ đúng nguyên nhân, mạnh dạn sửa. Vì an toàn của công trình này liên quan đến sinh mạng của trên 1.000 hộ dân, chưa kể tài sản, chưa kể những thiệt hại vô hình. Đó là sự hoang mang, lo sợ của người dân trong khu vực, không yên tâm sản xuất, sinh sống. Người dân ở đó đã chịu quá nhiều gian khổ trong chiến tranh, bây giờ cũng còn đang phải chịu nhiều thiệt thòi, như vậy có công bằng với họ không? Chính phủ cần họp ngay với các bộ và các chuyên gia để có quyết định cuối cùng, cần thì mời cả những chuyên gia về động đất hàng đầu ở nước ngoài… Và tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu quyết sai, cái sai này không sửa được, vì nó phải trả bằng sinh mạng của hàng ngàn người.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh: Rất khó an dân

Người dân ở khu vực có động đất hiện rất lo lắng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và vấn đề an dân. Chúng tôi chỉ biết tin vào những điều mà các nhà khoa học đã khẳng định. Họ đã trả lời chính thức trước chính quyền và nhân dân địa phương là đập đảm bảo an toàn. Chúng tôi tin vào điều đó. Nhưng rõ ràng động đất ngày càng lớn và thường xuyên. Do vậy an dân rất khó, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, vấn đề nào quá khả năng trong nước thì thuê chuyên gia nước ngoài đánh giá thực trạng và khẳng định vấn đề này đảm bảo an toàn. Khi đó dân mới an. Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm vấn đề này, vì nếu sự cố xảy ra, chúng ta không thể lường trước hết được. Chúng tôi đề nghị Chính phủ có chủ trương đầu tư nghiên cứu sâu về vấn đề này để đảm bảo an toàn trước khi cho tích nước hoạt động. 

A.THƯ - P.THẢO ghi

Tin cùng chuyên mục