Cử tri chưa hài lòng

LTS: Trả lời chất vấn của các bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội mấy ngày qua được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm, theo dõi, nhận xét và đóng góp thêm ý kiến. Báo SGGP trích giới thiệu ý kiến của bạn đọc đối với một số nội dung trả lời chất vấn của các bộ trưởng.

  • 70 lít/giây mà an toàn sao?

Tôi hiểu được sự bức xúc của đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) khi cho rằng thời gian qua phần lớn các dự án thủy điện ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân. Việc phá rừng làm thủy điện đang gây ra những tác động đến đời sống người dân. Làm sao để bảo đảm cuộc sống, sinh kế của người dân. Rồi sự lo lắng, hoang mang khi thủy điện rò rỉ nước.

“Đập đã được một công ty Nhật tư vấn độc lập kiểm định”. Vậy xin hỏi công ty đó là công ty nào? Thực hiện kiểm định khi nào? Số liệu ở đâu? Số liệu ấy đã làm thỏa mãn các nhà khoa học hay chưa? Việc kiểm định đã có ai tham gia cùng (chẳng hạn các nhà khoa học, các nhà tư vấn, các nhà quản lý, các người dân...) để chứng tỏ quá trình kiểm định là minh bạch? Nếu vỡ đập, trách nhiệm của công ty đó như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói việc thủy điện Sông Tranh rò rỉ nước chỉ là “hiện tượng thấm nước”, không phải “sự cố”. Thử hỏi bộ trưởng với lượng nước thấm hơn 70 lít/giây, liệu có đập thủy điện nào thấm như vậy? Nếu vỡ đập, ai sẽ chịu trách nhiệm khi khảo sát của các nhà khoa học khẳng định hiện tượng thấm nước qua đập là bất thường? Đề nghị các đại biểu Quốc hội sau khi chất vấn các bộ trưởng nên hỏi thêm các bộ trưởng một câu: “Chịu trách nhiệm, nhận khuyết điểm cụ thể là cái gì?”. “Xin nhận khuyết điểm” câu nói nghe nhàm chán qua nhiều kỳ họp rồi đâu vào đấy chả ăn thua gì.

Lê Thiên Ngân (TPHCM)

  • Xử lý nghiêm nạn mãi lộ - Chờ cam kết của bộ trưởng

Theo dõi phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tại kỳ họp Quốc hội, chúng tôi cho rằng bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, có trách nhiệm đối với những câu hỏi nóng, thậm chí gai góc mà các đại biểu Quốc hội đặt ra. Đó là tình trạng tội phạm trong nhiều lĩnh vực, đời sống xã hội diễn biến phức tạp, trong đó nhức nhối nhất là số vụ trẻ vị thành niên phạm tội với tính chất nghiêm trọng đang khiến cả xã hội lo lắng. Tuy nhiên, để cuộc chiến ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đạt hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, tạo môi trường sống an toàn cho người dân thì cử tri mong muốn lực lượng công an thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa, sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi khi dân cần.

Xung quanh vấn đề nạn mãi lộ, tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), bộ trưởng giải trình rằng do môi trường công tác dễ nảy sinh tiêu cực nên bộ đã có nhiều chỉ thị, chỉ đạo phòng chống tiêu cực trong lực lượng CSGT. Ghi nhận những cố gắng của ngành nhưng cử tri nhưng vẫn chưa hài lòng với trả lời của bộ trưởng là “mãi lộ không thể một sớm một chiều dứt được”. Vẫn biết điều kiện, môi trường làm việc của lực lượng CSGT là cực nhọc, chịu nhiều áp lực nhưng không thể vì lý do đó mà có thể “làm luật”, kiếm những đồng tiền không trong sạch từ những sai phạm vô tình hay cố ý của người điều khiển phương tiện giao thông.

Nếu bộ trưởng nhìn thấy điều kiện, môi trường làm việc của lực lượng này chịu nhiều áp lực, cực nhọc thì cần đề xuất chính sách phụ cấp tiền lương cho tương xứng để họ yên tâm công tác. Chúng tôi rất đồng tình việc bộ trưởng kêu gọi cử tri cả nước và báo chí tiếp tục cung cấp thông tin về CSGT vi phạm và không nên dùng tiền, hàng để hối lộ.

Thế nhưng, nếu chỉ dừng ở việc kêu gọi từ một phía người dân - những người điều khiển phương tiện giao thông - thì chưa đủ. Nếu lực lượng CSGT thực sự trong sáng, giữ đúng trọng trách là những người gác đường - giữ gìn sự an toàn cho các phương tiện lưu thông và công tâm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì chắc chắn hành vi tiêu cực, mãi lộ không có đất để sống.

Vì thế, cử tri mong muốn thanh tra của Bộ Công an hãy vào cuộc, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những trường hợp CSGT mất phẩm chất, cố tình vi phạm quy định của ngành, tìm mọi cách làm luật để kiếm tiền, vòi vĩnh người dân như đã và đang xảy ra.

Thực tế cho thấy, một khi nạn mãi lộ, tiêu cực trong lực lượng CSGT giảm thì tai nạn giao thông sẽ giảm theo vì ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ sẽ tăng lên. Cử tri chờ đợi lời hứa và cam kết “sẽ xử lý triệt để, nghiêm khắc đối với CSGT vi phạm pháp luật”.

Hoàng Thanh (TPHCM)

  • Giám sát việc sử dụng ngân sách

Theo dõi phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, tôi rất đồng tình với phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TPHCM) về vấn đề cần nâng cao tính thực chất trong quyết định ngân sách của Quốc hội.

Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phê chuẩn tổng quyết ngân sách nhà nước; quy định sửa đổi hoặc bãi bỏ các loại thuế… Để đi đến quyết định đúng đắn về phân bổ ngân sách trong năm tài khóa sau, ưu tiên cho lĩnh vực nào, ngành nào, dự án trọng điểm nào, ngay từ kỳ họp giữa năm Quốc hội phải bàn thảo, dự trù. Thế nhưng, với cách làm thiếu chủ động như hiện nay, Quốc hội gần như chỉ hợp thức hóa những việc đã làm xong chứ chưa thể hiện vai trò lập pháp cao nhất của mình là quyết định thật cụ thể dự toán ngân sách nhà nước.

Để chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, Quốc hội nên tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra đối với những lĩnh vực, dự án trọng điểm hoặc sử dụng nguồn vốn đầu tư lớn. Những con số hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng chục triệu USD thiệt hại do làm ăn thua lỗ hay tham nhũng diễn ra ở các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước thời gian qua gây bất bình trong dư luận, nhức nhối lòng dân. Vì thế, Quốc hội cần xem xét, mổ xẻ vấn đề này và sớm sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, để tiền thuế của dân, tài sản công đựợc sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

Từ thực tế này, cử tri cả nước đòi hỏi Quốc hội nâng cao tính chuyên nghiệp, thể hiện quyết sách tài khóa, xây dựng chính sách tiền tệ quốc gia đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân.

Phước Thanh (Quận 10, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục