Cử tri chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm

Theo quy định, trước mỗi kỳ họp Quốc hội (QH) và Hội đồng Nhân dân TPHCM (HĐND TP), các Đại biểu QH và Đại biểu HĐND TP đều phải trực tiếp đến từng cơ sở để ghi nhận ý kiến cử tri kiến nghị QH và HĐND TP. Sau kỳ họp, các đại biểu lại trở về địa phương để báo cáo kết quả kỳ họp vừa qua giải quyết được gì, chưa được gì, sắp tới làm gì... Cứ như vậy, các cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra khá thường xuyên theo từng kỳ họp. Những cuộc tiếp xúc giữa các đại biểu với cử tri có ý nghĩa quan trọng.

Đối với cử tri, đây là diễn đàn chính thức để phản ánh tâm tư nguyện vọng với chính quyền các cấp và cơ quan dân cử, đồng thời đóng góp trí tuệ để hiến kế giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước. Với các đại biểu, đây là dịp ghi nhận vấn đề nảy sinh trong xã hội để có quyết sách đúng đắn, phù hợp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người than phiền về tình trạng cử tri “chuyên trách” (những cử tri chuyên đi họp) tiếp xúc với đại biểu “kiêm nhiệm” (một đại biểu kiêm nhiều chức vụ khác nhau) kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng và không khí các buổi tiếp xúc; thậm chí còn gây lãng phí, làm các cuộc tiếp xúc mang nặng tính hình thức.

Thực tế cho thấy, nhiều cử tri “chuyên trách” ngày càng… ngán tiếp xúc vì bị mời đi họp quá nhiều. Ý kiến thì không có gì mới, không khí tiếp xúc tẻ nhạt... Trong khi đó, không ít cử tri lại chưa một lần được tiếp xúc với các đại biểu do mình bầu ra.

Một cử tri ở quận Tân Bình than phiền: “Tôi là cán bộ hưu trí, sống tại TPHCM từ ngày giải phóng đến nay, vậy mà chưa bao giờ được dự buổi tiếp xúc cử tri nào”. Hỏi vì sao có tình trạng này? Cán bộ một phường ở quận Tân Bình cho biết: “Vì nếu mời tất cả cử tri sẽ không có chỗ ngồi nên chỉ mời đại diện cử tri mà thôi…”.

Được biết, hiện nay cử tri đến dự các buổi tiếp xúc đều có thư mời của cơ quan Mặt trận hoặc chính quyền địa phương, vì lý do an ninh trật tự và không gian họp hạn chế. Về phần các đại biểu, do có người kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau nên thường vắng mặt tại các buổi tiếp xúc vì lý do bận việc, chỉ dừng lại ở việc hứa với cử tri chứ chưa giải quyết công việc đến nơi đến chốn khiến cử tri không hài lòng.

Đã đến lúc việc tiếp xúc cử tri phải được củng cố, chấn chỉnh, để mỗi đại biểu thật sự là cầu nối giữa cử tri với chính quyền các cấp và các cơ quan dân cử, để việc nước, việc dân trọn vẹn đôi đường, không làm giảm hoặc mất đi ý nghĩa của các cuộc tiếp xúc cử tri.

Minh Yến

Tin cùng chuyên mục