Ngay sau khi kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII khai mạc sáng 20-10, cử tri TPHCM đã có những đóng góp thẳng thắn, chân tình về nhiều vấn đề của địa phương và đất nước. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến của cử tri TPHCM.
Chị PHẠM THỊ HẠNH, phường 15, quận 4, TPHCM: Cần kiểm soát thị trường chặt chẽ
Chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, thời gian qua, giá tăng rất nhanh làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu trên. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, gần tết là giá cả tăng nhanh, thực phẩm, hàng hóa cũng leo thang. Mặc dù những năm gần đây, lãnh đạo TPHCM đã có nhiều chính sách bình ổn giá nhưng tôi cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, riêng lẻ của một địa phương.
Tập trung bình ổn giá phải làm thường xuyên nhưng chỉ nên xem đây là giải pháp tình thế. Nhà nước cần kiểm soát thị trường thật chặt chẽ, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, sắt thép, gạo, dược phẩm... Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại.
Anh NGÔ THANH VŨ, phường 6, quận 3: Luật hóa trách nhiệm để bảo vệ tính mạng người dân
2 năm trở lại đây, TPHCM cũng như nhiều địa phương xảy ra không biết bao cái chết thương tâm, mà thoạt nghe nguyên nhân ngỡ như đùa. Hết điện giật rồi đến lọt hố, rớt hồ. Đường bị ngập sâu nhưng ít khi có biển cảnh báo hay rào chắn ở các cống lộ thiên khiến rất nhiều người bị nạn. Chưa thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm về việc để xảy ra chết người do thiết kế, thi công, giám sát ẩu tại các công trình. Hiện các ngành, các cấp đang còn bàn cãi xem cái “bẫy” gây chết người này thuộc trách nhiệm của ai.
Hiện nay, chuyện né tránh trách nhiệm đã trở nên bình thường. Rồi cũng chỉ dừng lại ở rút kinh nghiệm sâu sắc như các lần trước, quả bóng trách nhiệm tiếp tục được đá qua đá lại. Đã đến lúc phải đưa việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước những hiểm họa chực chờ ngoài đường phố vào luật, kể cả việc xử lý những cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm.
Chị PHẠM TÚ VY, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi: Sớm có luật sử dụng vốn và tài sản nhà nước
Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; báo cáo về tình hình hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)… Tôi mong rằng, thông qua vụ Vinashin, Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trong đó có luật sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh.
Đặc biệt, cần quy định rõ ràng về những nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của Nhà nước cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước và những nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp; có chiến lược xây dựng và phát triển các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đủ mạnh để trở thành công cụ quan trọng điều tiết kinh tế vĩ mô và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, phải có cơ chế thưởng, phạt cụ thể gắn với trách nhiệm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị đối với thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về chế độ báo cáo và công khai, minh bạch kết quả hoạt động bao gồm cả phân phối lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bà PHẠM THỊ CẨM THẠCH (345/1 Tân Kỳ Tân Quý, phường Tân Quý, quận Tân Phú): Không để chìm xuồng những vụ sai phạm nghiêm trọng
Thời gian qua, việc xử lý những vụ sai phạm với số tiền thiệt hại rất lớn như vụ tiêu cực tại PMU18, vụ làm ăn thua lỗ hơn 80.000 tỷ đồng ở Tập đoàn Vinashin… kéo dài quá lâu và chưa rõ ràng. Cách xử lý chưa triệt để như vậy làm giảm lòng tin của cử tri với Đảng, với Nhà nước.
Chúng tôi đề nghị tại kỳ họp Quốc hội lần này cần đưa những vụ việc nổi cộm này ra mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, thẳng thắn nhìn nhận và quy trách nhiệm cụ thể thuộc về ai; phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ sai phạm. Nếu để những vụ việc trên chìm xuồng sẽ khiến công tác phòng chống tham nhũng chỉ là phương thuốc không có tác dụng và khuyến khích loại tội phạm này diễn ra ngày càng nghiêm trọng, lan rộng.
Cử tri chúng tôi cũng yêu cầu phải có biện pháp xử lý mạnh những đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến những vụ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng (như vụ Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải, vụ Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Đồng Điền, vụ ô nhiễm kênh Ba Bò…).
Mong các cơ quan chức năng không xử lý “ngầm” mà phải công khai cho người dân biết đã xử lý như thế nào và đến đâu.
NHÓM PVCT