Của ai và cho ai?

"Bùng nổ cuộc chiến", "phản pháo", "tố"… là những cụm từ gần như xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua về vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá. Đó là chuỗi sự kiện theo sau việc VPF ra đời vốn được định hình nhanh chóng từ cuộc họp tổng kết mùa bóng 2011 của VFF. Việc ra đời VPF để điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp từ mùa bóng 2012 (đổi tên từ V-League sang Super League) được xem là sự trỗi dậy của các ông bầu bóng đá.

Lúc đó, dư luận gần như ủng hộ nhanh chóng việc ra đời VPF bởi ai cũng thấy sự yếu kém trong điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp của VFF trong nhiều năm qua nên rất cần có sự thay đổi phù hợp hơn. Và ai cũng muốn tin rằng tổ chức mới ra đời và được ủng hộ này sẽ có sự điều hành chuyên nghiệp hơn, vì người hâm mộ, và nhất là vì sự phát triển để đưa bóng đá Việt Nam tiếp cận gần hơn đến trình độ khu vực.

Nhưng “phát pháo” đầu tiên mà người hâm mộ phải chứng kiến không phải là một kế hoạch khoa học để nâng tầm giải đấu chuyên nghiệp, hay chí ít cũng là việc người hâm mộ thấy được chất lượng giải đấu có sự chuyển biến hơn mà là những tranh chấp có thể gọi là nảy lửa về bản quyền truyền hình.

Vụ tranh chấp mà người hâm mộ luôn được đưa ra để các bên vin vào đó mong tạo sự thuyết phục, trong khi thực tế cái mà người hâm mộ có được lại càng tệ hơn.

Nhắc đến quyền lợi người hâm mộ và tương lai của nền bóng đá gắn với vụ tranh chấp bản quyền nảy lửa này, có hai vấn đề vẫn còn đang mù mờ là: ai thật sự có quyền về bản quyền truyền hình của Super League (nói nôm na là chủ giải đấu) và vụ tranh chấp này có phải vì quyền lợi người hâm mộ bóng đá nước nhà hay không? Cho đến lúc này, câu hỏi ai là chủ giải vẫn chưa thể được giải đáp vì mỗi bên đều đưa ra những lý lẽ có vẻ rất thuyết phục. Người hâm mộ càng bị rối hơn khi các bên đều viện dẫn cho mình bằng luật. Cũng điều luật đó, quy định đó… nhưng có cách lý giải khác nhau và ai cũng cho thấy mình nắm rất chắc luật và tự tin hành xử theo luật.

Nhưng người hâm mộ dễ dàng nhận ra “đáp án” cho câu hỏi vì ai trong cuộc tranh chấp này. Ở Việt Nam, bản quyền truyền hình bóng đá thời điểm này chưa là “món ngon” nhưng xu hướng vẫn sẽ là phần béo bở nhất trong giải bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng ở đâu cũng vậy, chất lượng giải đấu càng cao, giá trị bản quyền càng cao thì người xem càng phải… chịu đựng bởi thời lượng quảng cáo càng tăng.

Vậy nên, không trách nhiều người nghĩ rằng phần béo bở này đã quyết định vì sao “phát pháo” đầu tiên trong tiến trình cải tổ bộ máy điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia không phải là kế hoạch nâng cao chất lượng giải đấu mà là bản quyền truyền hình. Hiếm khi, để bảo vệ cho quyền lợi cầu thủ hay người hâm mộ mà người ta vận đủ “mười thành công lực” để quyết đấu tới cùng như hiện nay.

Khi mà cuộc tranh chấp này vẫn chưa ngã ngũ, nhiều người kháo nhau rằng hình ảnh của một vài ông bầu hiện nay sao cứ na ná như các “sao”, cứ tung chiêu, thậm chí “lộ hàng” một chút thì tên tuổi sẽ được nhắc đến mỗi ngày. Nhưng “sao” thì chỉ đánh bóng tên tuổi, còn đằng này đều là các đại gia. Khi mà khía cạnh quyền lợi người hâm mộ và tương lai bóng đá nước nhà còn mù mờ thì cuộc tranh chấp này không còn gói gọn trong vấn đề bản quyền truyền hình nữa. Vì vậy, tiếng nói của các cơ quan có thẩm quyền về sự đúng, sai lúc này là hết sức cần thiết.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục