Cách tạo điển hình đã khó, khen thưởng điển hình đúng cách để người được khen thưởng cảm thấy được tôn vinh càng khó hơn. Trong nhiều trường hợp, phải để người được khen thưởng cảm thấy vinh dự, trách nhiệm và tự hào về những đóng góp của mình cho xã hội.
Thông thường, việc khen thưởng diễn ra ở phần cuối các hội nghị. Lấy lý do không có thời gian, ban tổ chức vinh danh và chỉ trao thưởng một cách trang trọng ở hội trường cho những người (tổ chức, cá nhân) nhận những phần thưởng cao nhất. Còn lại, sau khi đọc hết danh sách khen thưởng dài dằng dặc, ban tổ chức nhắn gửi: đề nghị cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách xuống phòng X. liên hệ ban tổ chức để nhận phần thưởng! Chưa nói, có khi công tác tổ chức trao thưởng chưa được chỉn chu, có trường hợp khen thưởng thiếu, chỉ trao bằng khen, giấy khen mà chưa có quà tặng (hiện vật hoặc hiện kim) kèm theo. Ban tổ chức cũng chỉ nhắn với theo một câu: đề nghị xuống phòng X. lấy thêm quà tặng vừa rồi do phát thiếu!
Với cách khen thưởng này, từ vị trí người được tôn vinh, được biểu dương, điển hình tích cực thì phải đi tìm nơi nhận tiền thưởng. Người được khen dù không cầu kỳ, không khoe khoang cũng cảm thấy không vui vẻ, bởi mấy ai nghĩ nỗ lực đạt thành tích thi đua để được nhận tiền thưởng đâu. Do vậy, dù thành tích nhiều hay ít nhưng khi đã tuyên dương tại một buổi lễ, một hội nghị, tất cả đều cần sự vinh danh trang trọng. Trong nhiều trường hợp, do cách tổ chức vội vội vàng vàng, nhiều khi còn dễ dãi, xuề xòa vô tình làm người được khen thưởng cảm thấy chạnh lòng. Hình thức khen thưởng như vậy, làm sao có thể nhân điển hình, khi cái hay cái tốt không được vinh danh một cách đúng nghĩa?
ĐƯỜNG LOAN