Mới đó mà đã lại vào mùa gặt. Về nhà đi cắt lúa cùng mẹ, đứng giữa cánh đồng quê, hít thở mùi bùn đất, mùi lúa chín mà lòng lại dâng lên một cảm giác vui buồn lẫn lộn. Đi hoang giữa đời hơn chục năm trời, giờ cầm lại cái liềm, gom từng đống lúa đã cắt, thấy quê nhà gần mình hơn bao giờ hết.
Mùa gặt cũng là mùa lũ cua đồng trong bờ lò dò bò ra mương, ra ruộng. Chúng nghe động nước, tìm đường chạy núp. Đi gặt, mẹ bảo đem theo cái giỏ đựng cua. Loanh quanh một hồi cũng bắt được hơn chục con cua đồng. Gặt tới đâu, bắt tới đó. Nhiều con to bằng cả bàn tay người lớn. Đôi càng to hơn ngón tay cái. Rủi mà bị kẹp một phát là chỉ còn cách kêu trời. Chỉ có điều trời sinh loài cua chỉ biết bò ngang chứ không quay sau được.
Xong buổi gặt thì giỏ cua cũng gần đầy. Vậy là thêm một niềm vui. Mẹ nói trưa làm món cua rang. Về nhà, con nào quá nhỏ thì đập giập cho gà cho vịt, con nào lớn thì bóc yếm, rửa sạch. Sau đó, bỏ chúng vào cái nồi đất lấy trên giàn bếp xuống. Cua đồng phải rang trong nồi đất mới ngon, mới giữ được cái vị của đồng, của đất chứ không lẫn với mùi nhôm, mùi sắt như khi rang trong các loại nồi khác. Cho lửa vừa thì khoảng 15 phút là nồi cua rang có thể ăn được. Gắp ra đĩa, nhìn thật sướng mắt. Vẫn như ngày nào, tôi chọn cho mình những cái càng to, lóc lớp vỏ cứng bên ngoài rồi bỏ từng chút thịt vào miệng. Không gì ngon bằng càng cua rang ăn trong lúc nóng, trong lúc bùn đất vẫn còn lấm lem trên người. Mẹ nhìn tôi, cười. Vẫn nụ cười đầy yêu thương và độ lượng đi theo suốt tuổi thơ tôi và cho đến tận bây giờ.
…Nghe đâu khoảng chừng vài năm nữa, toàn bộ nơi tôi ở sẽ giải tỏa để làm khu dân cư mới. Mùa gặt năm nay còn được bắt cua, còn được ăn cua đồng rang của mẹ chứ vài năm nữa tìm đâu được. Tất nhiên, vẫn có thể mua ngoài chợ hoặc qua những vùng quê khác bắt về rồi rang. Nhưng với tôi, không gì thay thế được sự gắn bó như máu thịt, như một phần hồn của những gì trên ruộng đất nhà mình, trên làng xóm quê hương mình. Đôi khi chỉ là con cua đồng rang thôi mà vô giá!
Nguyễn Thành Giang (Tam Kỳ, Quảng Nam)