Cửa sổ

Có một câu chuyện kể rằng một ngày ở đất nước nọ, trong lớp học tiểu học, cô giáo cho các em đề bài văn miêu tả cảnh bầu trời. Mỗi em nhỏ miêu tả bầu trời khác nhau, có em trời xanh mây trắng, có em trời âm u trước cơn dông, cũng có em là hình ảnh những đàn chim đang bay… duy chỉ có một em đã miêu tả bầu trời hoàn toàn khác biệt, bầu trời của em có hình vuông! Ngạc nhiên, cô giáo mới đến tận nhà em để tìm hiểu, thì ra em ở cùng bố mẹ trong một căn hộ chung cư, trước khi đi học mỗi khi bố mẹ đi đâu vắng đều nhốt em ở nhà và em chỉ có thể nhìn ngắm bầu trời qua ô cửa sổ hẹp trên cao. Bầu trời qua khung cửa đó luôn có hình vuông.

Cuốn truyện tranh Cửa sổ của tác giả, họa sĩ Tạ Huy Long cũng có một mở đầu như thế. Nhân vật chính là một cậu bé 10 tuổi sống với bố mẹ giữa khu phố cổ Hà Nội thời bao cấp và như nhiều đứa trẻ khác thời đó, cậu chỉ đi học một buổi, buổi còn lại bị nhốt trong nhà để bố mẹ yên tâm đi làm. Cậu bé cũng cố gắng nhìn ra khoảng không bên ngoài qua ô cửa sổ nhỏ. Tình cờ, cậu phát hiện ra có chú châu chấu khổng lồ có đầu người đã tới đón cậu, đưa cậu vượt ra khỏi cửa sổ và bay bổng trên bầu trời đêm. Cửa sổ không chỉ là cánh cửa thông với không gian bên ngoài, mà nó trở thành một cánh cửa hứa hẹn về một thế giới khác. Phần kết câu chuyện là cảnh cậu bé trở về căn phòng mình, mọc thêm đôi cánh, như một ngụ ý cho trí tưởng tượng đã được chắp cánh.

Đọc tới đây, có thể nhiều bạn đọc sẽ cho rằng Cửa sổ hao hao Peter Pan (bộ truyện tranh, hoạt hình nổi tiếng của Mỹ). Điều này có thể cũng có phần đúng vì ý nghĩa của cả hai tác phẩm đều là hướng đến những ước mơ tự do của tuổi thơ, hướng đến những khung trời rộng mở, mới lạ cho trí tưởng tượng bay xa. Thế nhưng, sự giống nhau cũng chỉ dừng ở đó, Cửa sổ không chỉ đưa bạn đọc đến với thế giới mộng mơ của thiếu nhi, tác phẩm còn đưa bạn đọc đã trưởng thành, những bạn đọc đã từng trải qua thời ấu thơ trong giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước trở về với những ký ức của một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử. Cũng chính vì điểm đó, Cửa sổ thoát ra ngoài quan niệm truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi.

Lấy bối cảnh Hà Nội những năm 1980, tác phẩm đầy ắp hình ảnh thủ đô thời bao cấp. Ở đó, người đọc sẽ thấy lại những căn phòng chật hẹp có cửa sổ trổ tít trên cao, người mẹ may máy khâu hàng đêm, chiếc bếp dầu đun nấu... Chi tiết người dân kháo nhau về việc Phạm Tuân bay vào vũ trụ tiết lộ thời điểm, bối cảnh xảy ra câu chuyện. Những ai từng sống trong phố cổ Hà Nội sẽ bắt gặp ký ức của mình qua những trang vẽ của Tạ Huy Long. Những bức tranh vẽ phố nhấp nhô mái ngói nâu của các ngôi nhà theo kiến trúc cũ, hình ảnh tàu điện, cầu Long Biên... hiện lên sống động mà theo chính tác giả, anh vẽ những khung tranh bằng chính ký ức chân thật nhất của mình.

Tạ Huy Long sinh năm 1974, hiện đang là biên tập viên NXB Kim Đồng đồng thời là một trong những họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp ở Việt Nam. Cửa sổ gồm 82 bức vẽ, chủ yếu được thực hiện bằng màu nước. Tác phẩm do Công ty Văn hóa Nhã Nam phối hợp cùng NXB Thế Giới xuất bản.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục