Cùng các cháu mơ và tin

Mái trường - mái ấm
Cùng các cháu mơ và tin

Thăm ngôi trường mang tên “Niềm Tin”

Trong môi trường giáo dục chuyên biệt - nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhà trường chính là ngôi nhà thứ hai của trẻ. Vai trò của cô giáo quan trọng hơn cả người mẹ, bởi ngoài sự chăm chút cho các bé từng li từng tí trong sinh hoạt hàng ngày, bằng chuyên môn của mình các cô còn dạy những bài học nâng cao nhận thức, kỹ năng sống cho những con trẻ thiệt thòi về thể chất, trí tuệ. Một ngôi trường mang tên “Niềm Tin”, nơi cả tập thể CB-GV, bằng niềm tin và tình thương yêu, đã và đang gieo niềm tin cho trẻ khuyết tật và các bậc phụ huynh.

Các cháu ở Trường Chuyên biệt Niềm Tin quận Phú Nhuận trong giờ vui chơi lắp ráp. Ảnh: Mai Hải

Các cháu ở Trường Chuyên biệt Niềm Tin quận Phú Nhuận trong giờ vui chơi lắp ráp. Ảnh: Mai Hải

Mái trường - mái ấm

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc đường Đặng Văn Ngữ, Trường Giáo dục chuyên biệt Niềm Tin, quận Phú Nhuận, TPHCM khang trang, sạch đẹp, thoáng mát và yên tĩnh. Là trường đầu tiên tại TP trong hệ trường chuyên biệt cấp quận dành cho trẻ khuyết tật - ra đời từ năm 2002 - hiện trường nuôi dạy 65 trẻ mắc chứng down, tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ - là những dạng khuyết tật nặng nhất, ít có cơ hội hòa nhập.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Mỹ Thanh là người lập đề án thành lập trường, đúc kết: “Ngôi trường chính là mái ấm, nơi vui chơi, học tập, học cách làm người, tự phục vụ mình của các cháu. Từ những việc đơn giản nhất như tập cho các cháu tự ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo, giáo viên phải mất cả năm trời mới rèn được. Do đó, giáo viên phải thật kiên nhẫn, hết lòng thương yêu và tận tụy chăm sóc từng cháu một. Để phát triển trí tuệ và luyện kỹ năng, mỗi trẻ phải có một giáo án riêng”.

Thăm các lớp học, chứng kiến hoạt động của cô, trò trong một buổi, chúng tôi trào lên cảm xúc ngậm ngùi, xót xa cho con trẻ vô cùng, đồng thời kính phục các cô biết bao nhiêu. Những điều cô hiệu trưởng dẫn ra ở trên được minh chứng thật sinh động. Đúng là các cháu đang được sống, học tập, rèn giũa trong mái ấm đầy ắp thương yêu. Ngắm nhìn các cháu tươm tất, sạch sẽ trong đồng phục, quây quần, quấn quýt bên cô giáo, chăm chú nghe và thực hành những điều cô chỉ dạy hay “thể hiện” khả năng với khách, chúng tôi thật xúc động. “Chúng con kính chào thầy” - 13 cháu ở lớp tiểu học, vòng tay và đồng thanh thưa - là tình cảm đầu tiên khách nhận được từ lớp học gồm các cháu lớn và có thời gian được nuôi dạy ở trường lâu nhất.

Hai cô giáo phụ trách lớp là cô Đinh Thị Phấn với 34 năm tuổi nghề và Huỳnh Thị Thanh Lệ với 29 năm tuổi nghề, thuộc nằm lòng gia cảnh, tình trạng khuyết tật và sức học của từng cháu. Các cháu Lan Anh, 23 tuổi; Ngô Thu Hương, 21 tuổi; Đào Thành Đạt, 18 tuổi; Đinh Thị Thủy Tiên, 16 tuổi… được nuôi dạy ở trường từ 7 đến 10 năm nay. Thời gian đằng đẵng, cô trò cùng miệt mài, kiên nhẫn lắm mới có kết quả: Các cháu đã biết tự phục vụ về mọi mặt trong sinh hoạt hàng ngày, biết phụ giúp cô dọn dẹp lớp học, bữa ăn. Đa số các cháu trong lớp đã đọc thông viết thạo, lĩnh hội dần những kiến thức đơn giản nhất về tự nhiên, xã hội. Chính ngôi trường - mái ấm “Niềm Tin” đã mang đến cho đám trẻ thiệt thòi này cơ hội sống, học tập và hướng tới sự hòa nhập.

Được cậu bé Đinh Vũ Hải, 17 tuổi, đọc tặng bài thơ “Vẽ quê hương” trong SGK lớp 3 với giọng trôi chảy, cảm xúc: …Em vẽ làng xóm/ Tre xanh, lúa xanh/ Sông máng lượn quanh/ Một dòng xanh mát/ Trời mây bát ngát/ Xanh ngắt mùa thu/ Xanh mãi ước mơ…, chúng tôi thấy cay cay nơi sống mũi, xin được cùng em mơ và tin…

Sáng mãi ngọn lửa tin yêu

Cực nhất là những cô giáo phụ trách lớp nhà trẻ, bởi họ phải lo cho học trò đủ thứ, đủ việc, cho từng cháu. Chúng tôi cảm nhận thật rõ, phải có lòng yêu nghề và tình thương yêu con trẻ thật lớn lao, các cô mới có thể vượt qua áp lực công việc đè nặng cả về tinh thần và sức khỏe. Khác với trẻ bình thường - dễ “đo đếm” sự tiến bộ hàng ngày - trẻ khuyết tật phải mất nhiều tháng, nhiều năm mới “cảm” được. Vì vậy, giáo viên dạy chuyên biệt là những người “đưa đò” âm thầm nhất.

Thầm lặng, bền bỉ hơn chục năm qua, CB-GV Trường chuyên biệt Niềm Tin luôn tự tin - từ phát triển đội ngũ đến nâng cao năng lực chuyên môn của từng người; 100% giáo viên đạt chuẩn chuyên môn sư phạm từ cao đẳng đến đại học; cô Hiệu phó Nguyễn Thảo Hương đạt trình độ thạc sĩ. Trong thực tế công tác, người có nhiều kinh nghiệm tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cho những giáo viên trẻ mới ra trường. Hơn một chục học sinh “lên lớp” - chuyển hệ qua học trường dạy nghề và hòa nhập tiểu học - có thể coi là kỳ tích của cả thầy và trò.

Cô Hiệu phó Lê Thị Tuyết Linh không giấu vẻ tự hào: “Nhà trường là một tập thể đoàn kết và các giáo viên đều là những tấm gương tận tụy với nghề - hết lòng thương yêu và chăm sóc học sinh. Những thành quả đạt được càng làm sáng thêm niềm tin yêu con trẻ của mỗi CB-GV chúng tôi”. Những phần thưởng tập thể nhà trường và các cá nhân nhận được: “Tập thể lao động xuất sắc cấp TP”; 4 giáo viên được UBND TPHCM tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc công tác giáo dục trẻ khuyết tật; 3 giáo viên đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản do Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM đồng tổ chức hàng năm, cùng rất nhiều giấy khen và cao hơn hết là sự tin tưởng của các bậc phụ huynh dành cho, chính là sự tôn vinh và minh định “thương hiệu” ngôi trường mang tên “Niềm Tin”.

THƯ NAM

Tin cùng chuyên mục