Phát biểu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 tổ chức ngày 30-9 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng đất đai, tiếp cận điện năng... ngang bằng mức bình quân ASEAN 4 (Tốp 4 nước mạnh nhất ASEAN) vào năm 2016. “Nhưng nhiều khả năng ngay trong năm 2015 chúng tôi có thể đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4” - Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn cần phải cải thiện với nhiều biện pháp cụ thể, để vượt qua thách thức và những hạn chế của chính mình, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Trong hai năm 2014 và 2015, dấu ấn cải cách về môi trường kinh doanh được thể hiện rõ qua 2 nghị quyết cùng mang số 19 của Chính phủ. Nhiều lần chỉ đạo, đốc thúc việc thực hiện 2 nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh là “nhiệm vụ sống còn” của nền kinh tế. Thế nhưng, tại cuộc họp sơ kết Nghị quyết 19 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, dường như lãnh đạo nhiều bộ, ngành và địa phương đang phớt lờ yêu cầu thực thi Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Theo nghị quyết này, định kỳ hàng quý, các bộ, cơ quan, địa phương phải gửi báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện nghị quyết về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, cho đến ngày 23-9-2015, bộ này mới chỉ nhận được báo cáo 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 của vỏn vẹn 4 bộ, cơ quan gồm Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, VCCI, EVN; và 3 địa phương là TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội. Thời gian qua, CIEM đã liên tục mở các lớp tập huấn về triển khai Nghị quyết 19, song hầu hết các bộ, cơ quan và 18 UBND tỉnh, thành phố đều chưa coi trọng việc tham gia tập huấn. “Nhiều địa phương chỉ gửi vài cán bộ cấp phòng của sở tham gia, mà cũng không tham gia hết khóa” - TS Nguyễn Đình Cung cho biết.
Theo CIEM, nhờ thực hiện Nghị quyết 19, đến nay đã có nhiều cải cách về thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thời gian tiếp cận điện năng, thời gian phá sản doanh nghiệp... nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt được yêu cầu Nghị quyết 19 đặt ra. Trong bối cảnh như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc thực thi thiếu nghiêm túc quy định của Nghị quyết 19 là một bước thụt lùi, có thể làm suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình cải cách. “Lý do gì một nghị quyết của Chính phủ để lần đầu tiên đưa Việt Nam tham gia cuộc chơi với thế giới, mà các cơ quan liên quan lại không làm, không báo cáo?” - luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trăn trở.
Cùng với việc thực thi thiếu nghiêm túc Nghị quyết 19, một vấn đề khác cũng đáng báo động là sự trở lại của hàng loạt “giấy phép con” mới. Triển khai Nghị quyết 19 và Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị loại bỏ 3.300 điều kiện kinh doanh từ ngày 1-7. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay sau đó, một số bộ, ngành và địa phương lại ban hành vô số thông tư, văn bản với hàng loạt điều kiện kinh doanh mới. Chẳng hạn Thông tư số 15 của Bộ KH-CN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; dự thảo thông tư của Bộ Công thương về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; dự thảo thông tư liên tịch về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ do Liên Bộ Tài chính - Công an xây dựng... TS Nguyễn Đình Cung cho rằng những quy định này có thể làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính sách.
Để tạo sự bứt phá trong giai đoạn phát triển mới, Chính phủ đang nỗ lực cải cách thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh. Và muốn thành công, vấn đề quan trọng là phải xây dựng được lòng tin chính sách. Tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp năm 2013, của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới; tinh thần cải cách của Nghị quyết 19 đang tạo cơ hội rất lớn để thay đổi tư duy về quản lý nhà nước, thực hiện vai trò “kiến tạo phát triển”. Vì thế, cần có những giải pháp quyết liệt hơn, kỷ luật nghiêm minh hơn trong thực thi Nghị quyết 19; kiên quyết ngăn chặn sự trở lại của “giấy phép con” tạo lực cản môi trường kinh doanh.
BẢO MINH