Cùng đón tết tiết kiệm, văn minh

Người dân cả nước đang nô nức đón Tết Nhâm Thìn, nhộn nhịp mua sắm và lên kế hoạch du xuân. Dịp này, bạn đọc Báo SGGP đã nêu các ý kiến về việc cùng đón tết tiết kiệm và văn minh.

LTS: Người dân cả nước đang nô nức đón Tết Nhâm Thìn, nhộn nhịp mua sắm và lên kế hoạch du xuân. Dịp này, bạn đọc Báo SGGP đã nêu các ý kiến về việc cùng đón tết tiết kiệm và văn minh.

Tránh những biểu hiện thái quá

Tết Nguyên đán là dịp lễ hội quan trọng nhất trong năm, được thể hiện rõ trong những phong tục, tập quán mà cha ông ta đã lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, việc đón tết đã có những biểu hiện thái quá, phô trương và thực dụng.

Chuyện đầu tiên phải nhắc đến là việc mua bán và đốt vàng mã tràn lan, rất tốn kém. Dạo qua một vòng các khu chợ trên địa bàn TPHCM đều thấy bày bán rất nhiều vàng mã. Ngoài nhu cầu tâm linh mua vàng mã để đốt gửi người quá cố, nhiều người lại xem đây là cách phô trương sự giàu sang và lòng hiếu kính. Có những mặt hàng vàng mã giá đến cả triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, có điều khoản phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt đồ hàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác” nhưng dường như quy định này chưa đi vào cuộc sống. Theo số liệu thống kê, mỗi năm người dân nước ta tốn hơn 200 tỷ đồng để mua vàng mã. Đây quả là một số tiền quá lớn, một sự lãng phí trong thời kinh tế khó khăn hiện nay.

Một chuyện khác cũng nên chấn chỉnh là việc một số người dân chưa có ý thức trong việc hái lộc đầu năm. Những năm gần đây, tình trạng hái lộc đầu năm theo kiểu triệt hạ cây xanh như bẻ cành to, bẻ cả ngọn thậm chí vác cả cây về nhà ngày càng phổ biến. Nhiều người quan niệm, bẻ được cành càng lớn sẽ càng có nhiều lộc. Quan niệm này đã phần nào làm giảm giá trị tinh thần của tục lệ hái lộc đầu năm, tạo ra những cảnh tượng không đẹp tại nơi công cộng như chen lấn, tranh giành nhau để bẻ “lộc” mang về nhà.

LÊ ĐẶNG
(Quận Thủ Đức, TPHCM)

Đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách

Cứ mỗi dịp tết đến, những người làm việc xa quê hương đều mong muốn trở về sum họp gia đình nên nhu cầu đi lại trong dịp tết tăng đột biến. Do vậy, đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách dịp tết là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Tết năm nào cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn trên các tuyến đường, với nguyên nhân trực tiếp là do tài xế xe khách thiếu tôn trọng pháp luật về giao thông đường bộ như chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành các quy định và biển báo để giành khách. Cũng có nhiều trường hợp do tài xế có uống rượu bia hoặc phải lái xe liên tục trong dịp cao điểm tết.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức các trạm, chốt, tổ tuần tra, kiểm soát để đảm bảo lưu thông an toàn thông suốt trên các tuyến đường, tuy nhiên cũng có lúc có nơi vẫn còn những cá nhân, đơn vị làm chưa đúng chức trách, dẫn đến tình trạng các tài xế xem thường pháp luật. Hiện nay, với những quy định nghiêm về việc kiểm định, các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách đều đã đầu tư các xe khách hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các xe dù, xe kém chất lượng “qua mặt” các cơ quan kiểm định hoặc không thường xuyên tu sửa nên đã xảy ra không ít tai nạn vì sự cố kỹ thuật.

Để đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông, ngăn ngừa tình trạng nhận hối lộ, không kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm của các tài xế, chủ xe khách. Ngành giao thông cần kiểm tra việc bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường, đồng thời thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về vận tải hành khách, dẹp nạn xe dù, bến cóc…, kiên quyết xử lý các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có vi phạm.

HUỲNH ĐẮC NHẤT
(Quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục