Cùng đồng đội vượt gian nan

Gần 6 năm đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam, chú Đỗ Tấn Hùng và các thành viên trong hội đã vận động xây dựng 216 căn nhà tình nghĩa (trong đó có 30 căn do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP hỗ trợ) cho các gia đình cựu thanh niên xung phong đang gặp khó khăn về nhà ở; đồng thời Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam cũng đã tìm được 24 mộ liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang ở quê nhà…
Cùng đồng đội vượt gian nan

Gần 6 năm đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam, chú Đỗ Tấn Hùng và các thành viên trong hội đã vận động xây dựng 216 căn nhà tình nghĩa (trong đó có 30 căn do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP hỗ trợ) cho các gia đình cựu thanh niên xung phong đang gặp khó khăn về nhà ở; đồng thời Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam cũng đã tìm được 24 mộ liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang ở quê nhà…

  • Chiến dịch Chu Lai khó quên

Chú Đỗ Tấn Hùng kể, vào những năm 1969, chú tham gia đại đội Đồng Phước Huyến và là Chi đoàn trưởng Thanh niên xung phong Hà Bắc. Chi đoàn có hơn 100 người, phần đông là nữ. “Vì là lực lượng bán vũ trang nên chúng tôi vẫn được trang bị súng ống để nếu trên đường công tác có giáp mặt địch thì phải chiến đấu”, chú kể tiếp.

Thời đó, công tác chủ yếu của chú và đồng đội là vận chuyển lương thực thực phẩm từ vùng địch ra để nhập kho cho tỉnh Quảng Nam, cung cấp cho bộ đội. Cũng như các đại đội thanh niên xung phong khác, ngoài việc chuyển lương thực, đơn vị của chú cũng chuyển thương binh và thu dọn chiến trường.

Ông Đỗ Tấn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam.

Ông Đỗ Tấn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam.

Năm 1970, chú được gửi đi học ở Trường Hậu cần quân khu 503 của Quân khu 5. Nhờ vậy, chú được tham gia vận chuyển đạn dược, vũ khí tên lửa tầm ngắn (DKB) cho chiến dịch 180, đánh sân bay Chu Lai. Với chú, đây là một dịp may.

Suốt một tháng trời ròng rã vận chuyển DKB nặng 70kg (thân nặng 45kg và đầu đạn nặng 25kg) từ Quảng Nam ra đến Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trong đoàn của chú có nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Huấn, sau chiến dịch Chu Lai được phong tặng danh hiệu kiện tướng cõng đạn. Nam thanh niên xung phong tối đa chỉ có thể cõng khoảng 70kg, ấy vậy mà cô Huấn đã đảm nhiệm 125kg với hai thân DKB, 1 đầu đạn DKB và hai ngòi nổ.

Chú tâm sự: “Đó là giai đoạn cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường khói lửa miền Trung. Quân khu huy động các nơi tham gia tiểu đoàn vận tải để chuyển đạn dược cho chiến dịch tại Chu Lai. Tổng cộng có 600 quả đạn DKB được vận chuyển đến Quảng Ngãi. Tôi còn nhớ rõ đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5, bộ đội ta đã đánh vào sân bay Chu Lai, phá hủy hàng chục máy bay của địch… Đó là kỷ niệm khó quên nhất trong đời và là niềm hãnh diện của tôi trong những năm tháng tham gia chiến trường miền Trung”.

Nếu chiến dịch Chu Lai là kỷ niệm hào hùng khó quên của chú thì có thể nói, trận chốt quân ở huyện Phước Sơn là kỷ niệm đau lòng nhất. Lúc đó đơn vị của chú tham gia đóng quân, giữ chốt Tổng kho vũ khí của miền Bắc chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Trung, được đặt tại Phước Sơn. Bị địch phát hiện và ném bom, hơn 400 thanh niên xung phong đã hy sinh và nằm lại Phước Sơn, bây giờ ở đây là nghĩa trang Thanh niên xung phong Phước Sơn - Quảng Nam (cách Đà Nẵng 150km).

  • Trăn trở về đồng đội cũ

Phước Sơn, địa danh đã in sâu trong lòng chú, ở đó có 35 đồng đội của chú đã nằm lại mãi mãi ở độ tuổi thanh xuân… “Mỗi năm, nếu có điều kiện, tôi và các thành viên trong hội đều về lại Phước Sơn để thắp một nén nhang cho những người đã nằm xuống vì độc lập, hòa bình của đất nước”, chú chia sẻ.

Từ năm 1971, chú Đỗ Tấn Hùng chuyển về làm cán sự thanh niên của Ban Cán sự Nam Trà, sau đó làm Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam. Từ 1979 đến 1981, là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Và, năm 2005, Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam được thành lập, chú trở thành chủ tịch hội đến bây giờ. Cùng với những đồng đội thanh niên xung phong cũ như chú Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ tịch hội, các chú đã thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong tại các huyện với trên 200 hội viên.

Trong hơn 5 năm qua, hội đều được tặng cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội và tháng 7 năm nay, Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam đã đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều chú Hùng còn mong mỏi bây giờ là cố gắng tiếp tục vận động 100 căn nhà tình nghĩa cho 100 gia đình cựu Thanh niên xung phong còn khó khăn đang sinh sống tại các huyện miền núi như Nam Giang, Tây Giang… Trong công tác hội, chú luôn được cô nhà, cũng là đồng đội trong đoàn Thanh niên xung phong Hà Bắc, động viên, khuyến khích, nên gần như chú dành trọn thời gian của mình cho công việc.

Chú tâm sự: “Có đến, có ở và chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng đội mới thấy mình còn nặng trách nhiệm lắm…”. Có lẽ vì những trăn trở đó, chương trình Nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu Thanh niên xung phong Quảng Nam, theo chú khẳng định, sẽ vẫn còn tiếp tục với tiêu chí luôn sẻ chia khó khăn cùng đồng đội cũ… 

MINH THẢO

Tin cùng chuyên mục