Số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang ngày càng nhiều và tồn đọng tại cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) không hề nhỏ, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Hai trong số những vụ nợ BHXH “nổi đình nổi đám” trên địa bàn TPHCM thời gian vừa qua đều rơi vào doanh nghiệp (DN) có 100% vốn Hàn Quốc: Công ty TNHH Giày Anjin (nợ hơn 6,5 tỷ đồng) và Công ty Giày dép Kwang Nam (nợ hơn 7 tỷ đồng). Giám đốc cả hai công ty trên đều “bỏ về nước” để trốn thi hành án sau khi bị tòa án tuyên buộc phải trả nợ BHXH. Các chủ DN khi cố tình nợ BHXH đều biết rằng, khi DN ngừng hoạt động, “mất tích” hay chủ bỏ trốn về nước thì thi hành án chỉ còn cách “treo” hồ sơ.
Ngoài các vụ nợ mà chủ DN “bỗng dưng biến mất” hoặc không còn tài sản thì số DN có tài sản trong các ngân hàng/kho bạc cũng rất khó thi hành án bởi không dễ dàng gì phong tỏa tài khoản các DN nợ BHXH do nhiều tổ chức tín dụng thường nại nhiều lý do để bảo vệ khách hàng. Hiện nay, biện pháp đối với số DN nợ BHXH trên 3 tháng, sau khi kiểm tra đôn đốc mà không chuyển biến sẽ chuyển sang Thanh tra lao động để xử phạt, nếu tiếp tục chây ỳ sẽ kiện DN ra tòa án. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2012, BHXH TPHCM đã phối hợp với một số quận huyện khởi kiện 19 DN nợ BHXH ra tòa. Trong đó, quận 3 và quận Bình Tân có DN nợ nhiều nhất.
Từ ngày 1-1-2012, người lao động mỗi tháng sẽ tham gia đóng BHXH 8% lương của mình. Và người tạm thu giữ số tiền “mồ hôi nước mắt” của người lao động để chuyển đóng BHXH cho họ là chủ sử dụng lao động (chủ DN). Do vậy, việc chây ỳ, trốn tránh đóng BHXH là hành vi phạm pháp luật hình sự, bởi DN đã lợi dụng chính sách của nhà nước để chiếm dụng tài sản người lao động.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng người lao động, chúng ta cần có thái độ nghiêm khắc và cần xem xét xử lý hình sự việc cố ý tránh đóng tiền BHXH của các DN. Việc khác, để tránh việc chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn về nước sau khi cố ý nợ BHXH, ngành BHXH cần thông báo tình trạng nợ BHXH của DN đến các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn họ xuất cảnh chạy nợ, như thời gian vừa qua.
PHƯƠNG THỤC