Cứng nhắc khi ngưng tách thửa

Người dân bức xúc vì huyện Hóc Môn không chỉ ngừng tách thửa đối với các chủ đầu tư kinh doanh, mà cả với hộ gia đình khiến người dân không thể xây dựng nhà ở.
Những căn nhà xây sơ sài chỉ để lách quy định tách thửa nhằm chia nhỏ nền đất, đã làm ảnh hưởng đến chủ trương chung. Ảnh chụp tại dự án phân lô trên đường Nguyễn Xiển (quận 9, TPHCM).
Những căn nhà xây sơ sài chỉ để lách quy định tách thửa nhằm chia nhỏ nền đất, đã làm ảnh hưởng đến chủ trương chung. Ảnh chụp tại dự án phân lô trên đường Nguyễn Xiển (quận 9, TPHCM).
Gần đây, đường dây nóng Báo SGGP tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân bức xúc trước việc chính quyền huyện Hóc Môn (TPHCM) không chỉ ngừng tách thửa đối với các chủ đầu tư kinh doanh, mà cả với hộ gia đình, khiến người dân gặp nhiều khó khăn, không thể xây dựng nhà ở.  

Có đất nhưng không thể xây nhà 

Theo dự kiến, trong tháng 10-2016, UBND TPHCM ban hành văn bản thay thế Quyết định 33/2014/QĐ-UBND (quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa), nhưng mãi đến nay vẫn chưa có. Trong khi chờ chủ trương mới, chính quyền huyện Hóc Môn tạm ngưng thực hiện tách thửa nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch. Từ khi huyện ngưng nhận hồ sơ tách thửa, các gia đình không thể tách thửa để làm nhà cho con cái, những người đã mua nền đất nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về giấy tờ cũng bị ách tắc. 

Ông Phạm Văn Khải ở 1358/28/187 Quang Trung (phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) phản ánh: “Đầu năm 2017 gia đình tôi có mua 187m2 đất, loại đất ở đô thị tại khu quy hoạch dân cư mới xã Tân Xuân (huyện Hóc Môn, TPHCM). Nóng lòng có nhà ở, tôi đã đến UBND huyện Hóc Môn để làm thủ tục tách thửa theo quy định. Nhưng cán bộ thụ lý hồ sơ đã từ chối làm thủ tục với lý do: “Huyện có quy định ngưng tách thửa khi mua bán. Chính quyền chỉ làm thủ tục cho hộ gia đình có đất tách thửa cho con cái thuộc khu dân cư hiện hữu”. Tôi đã trình bày, cố giải thích rằng gia đình tôi chưa có nhà ở ổn định, nay làm thủ tục tách thửa để cất nhà ở, chứ không phải mua bán, nhưng không được. Cán bộ thụ lý hồ sơ chỉ trả lời miệng từ chối thụ lý hồ sơ chứ không đưa ra văn bản khi tôi yêu cầu”.  

Tương tự, ông Trần Văn Vinh đến từ xã Đức Phú huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cũng trong tình cảnh không thể làm thủ tục tách thửa để làm nhà tại huyện Hóc Môn. Sau khi cán bộ từ chối tiếp nhận hồ sơ, ông Vinh đã cố tìm gặp cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện để hỏi cho rõ trắng đen. Cán bộ phòng trả lời: “Đất  bà con mua đủ diện tích, phù hợp quy hoạch, đảm bảo hạ tầng để tách thửa, nhưng không thuộc trường hợp ưu tiên nên phải chờ hướng dẫn”.  Ông Vinh than: “Để có mảnh đất, xây nhà ổn định cuộc sống, gia đình phải tiết kiệm, dành dụm nhiều năm trời. Giờ đất đã mua, hàng trăm triệu đồng đã bỏ ra nhưng chúng tôi vẫn không có nhà ở, vì thủ tục quá nhiêu khê, cứng nhắc”. 

Đùn qua, đẩy lại

Phóng viên Báo SGGP đã chuyển các bức xúc của bạn đọc đến Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hóc Môn và được ông Tăng Thế Hùng, Phó phòng, cho biết: “Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã có Văn bản số 142/STNMT và 8943/STNMT về giải quyết các kiến nghị của huyện Hóc Môn đối với các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai, môi trường. Sở đã chỉ đạo rõ, trường hợp được tách thửa trên địa bàn là căn cứ theo quy hoạch chi tiết 1/2000 hoặc quy hoạch nông thôn, mới được phê duyệt. Trong đó, quy hoạch được xác định phải là khu dân cư hiện hữu và thực tế có dân cư sinh sống tập trung để xem xét quyết định. Những trường hợp là khu đất thuộc quy hoạch khu dân cư mới, không nằm trong diện hướng dẫn của cấp trên, nên huyện phải chờ”. 

Đem phản hồi của huyện Hóc Môn đến hỏi Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, chúng tôi được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở trả lời: Cả 2 văn bản trên của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM là cụ thể hóa một số quy định Luật Đất đai 2013 để các huyện nắm rõ thực hiện, nhằm chống lại việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng nhà để kinh doanh bất động sản. Đối với trường hợp người dân tách thửa để làm nhà ở, nếu xét thấy đã phù hợp quy hoạch, đảm bảo các quy định về hạ tầng và không thuộc trường hợp tách thửa để kinh doanh, thì huyện cần thụ lý, giải quyết cho người dân”.

Tách thửa đất nhằm mục đích xây dựng nhà ở là nhu cầu chính đáng. Việc cán bộ thiếu sâu sát, máy móc, cứng nhắc trong xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực và chính đáng của người dân. Cũng về vấn đề này, trong một cuộc họp trước đó với các sở, ngành liên quan và 24 quận, huyện để giải quyết vướng mắc, bất cập trong quản lý nhà đất, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã chỉ đạo, trong thời gian 7 ngày, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM phải trình dự thảo quyết định thay thế QĐ 33. Người dân mong rằng, sự cương quyết, dứt khoát của Phó Chủ tịch UBND TPHCM sẽ sớm tháo bỏ nút thắt này.

Tin cùng chuyên mục