Thêm một vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa xảy ra tại Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.10 người chết, hơn 20 người bị thương. Điều đau lòng là dù người dân tại chỗ đã có mặt rất nhanh để ứng cứu, nhưng ngọn lửa của chiếc xe cháy do tai nạn đã cướp mất nhiều mạng sống. Nguyên nhân bước đầu được xác định tài xế chiếc xe gây tai nạn chưa đủ tuổi theo quy định và ngủ gật khi lái xe. Trách nhiệm của tài xế đang được điều tra, dù cả hai người cầm lái đều đã chết.
Cứ mỗi ngày, trên suốt chiều dài đất nước, lại có hơn 30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Mỗi năm, khoảng 12.000 người ra đi vĩnh viễn, 20.000 người bị thương, trong đó trẻ em chiếm 35% (nguồn: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia). Những con số lạnh lùng của mất mát. Sau mỗi tai nạn, lại sẽ có thêm những người chồng mất vợ, vợ mất chồng, con mất cha mất mẹ, ông bà mất cháu...
Và còn nhiều hơn thế, có những người giữ được mạng sống, nhưng phần đời còn lại gắn liền với thương tật. Nhiều gia đình mất trụ cột, những người còn lại đối diện với sự khốn cùng do không có thu nhập, hoặc nặng gánh đói nghèo do kiệt quệ vì chạy chữa thương tật cả đời.
Mật độ giao thông cao, tần suất tai nạn lớn, vì vậy đi trên đường bằng phương tiện gì hoặc đi bộ ở mọi thời điểm cũng đều dễ gặp rủi ro. Các điểm đen về tai nạn giao thông trải dài dọc quốc lộ. Ngoài Hà Nội và TPHCM, còn có Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận...
Có những vụ tai nạn là do đường sá xuống cấp chưa được sửa chữa. Nhưng đường chỉ là một khía cạnh. Một nghịch lý khó chấp nhận là khi hạ tầng giao thông tốt lên, tai nạn lại càng tăng. Năm ngoái và năm nay, có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết nhiều người trong một vụ. Bên cạnh đó, việc kiểm định phương tiện cũng không nghiêm ngặt. Những “quả bom di động” vẫn được cấp phép lưu thông.
Nhưng vấn đề cốt lõi là ý thức tuân thủ luật lệ giao thông ngày càng đi xuống, nên tai nạn đi lên theo hướng đối nghịch. Phóng nhanh, lấn trái, vượt sai luật, vi phạm làn đường - phần đường, bất ngờ chuyển hướng, phóng nhanh vượt ẩu, ngủ gật, lái xe trong lúc say rượu bia hoặc bị tác dụng của chất kích thích..., những nguyên nhân đã trở thành phổ biến do các lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Một thống kê cho thấy có hơn 50% người điều khiển xe máy không có bằng lái hợp lệ. Còn với ô tô, tỷ lệ người lái xe có bằng lái cao hơn, nhưng thật khó để xác định trong đó có bao nhiêu bằng là do mua bán, chạy chọt.
Có lẽ không nên đổ cho nguyên nhân tai nạn tăng là do thiếu tuyên truyền. Thực tế cho thấy chỉ tuyên truyền sẽ không đủ để làm tăng ý thức tuân thủ pháp luật nói chung và luật giao thông nói riêng. Những dạng khẩu hiệu “Nói không với tai nạn” chẳng có ý nghĩa thực chất nào. Nên giảm bớt các panô, biểu ngữ để tăng cường xử phạt nghiêm khắc mọi vi phạm. Và một khía cạnh khác vẫn còn bị né tránh đề cập, là sự thiếu nghiêm ngắn của cảnh sát, thanh tra giao thông. Có không ít hình ảnh vi phạm luật giao thông, cản trở giao thông, nhận tiền mãi lộ của chính lực lượng chức năng.
Hiện trạng nhức nhối của tai nạn giao thông là từ “cái sảy nảy cái ung”. Tai nạn tăng là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân được tích lũy qua thời gian dài. Nhưng hẳn rằng, tâm điểm của quá trình thoái hóa ấy là các hình phạt không được thực thi nghiêm khắc, chặt chẽ nên thiếu sức răn đe. Có thể là khung luật pháp vẫn còn những điểm cần điều chỉnh để hoàn thiện. Tuy nhiên, chỉ với những quy định hiện tại, nếu áp dụng đầy đủ hình phạt chính và bổ sung cho các vi phạm, cũng làm giảm đáng kể tai nạn. Không nhất thiết phải đưa ra những sáng kiến mới để mất thời gian tranh cãi, mà trước hết lực lượng thực thi pháp luật phải cứng rắn, áp dụng pháp luật không có ngoại lệ hay miễn trừ tùy tiện.
Nếu không làm ngay điều đó, những con số thống kê về mất mát nhân mạng trong thời gian tới sẽ còn đau lòng hơn.
Vũ Thượng