Chưa bao giờ tình trạng già hóa dân số trở thành vấn đề nan giải đối với chính phủ nhiều nước châu Á, nhất là các nước đang phát triển, như hiện nay. Nhật Bản giữ kỷ lục có tỷ lệ dân số già cao nhất châu Á. Năm 2012, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Nhật Bản 32%, Hồng Công (Trung Quốc) 19%, Hàn Quốc 17% và Singapore 15%.
Theo dự đoán của LHQ, đến năm 2050, tỷ lệ này ở Nhật sẽ vượt 40% và ở các nước châu Á khác sẽ vượt quá 30%, trong đó có Trung Quốc, quốc gia sẽ gánh chịu hậu quả của chính sách một con.
Số người cao tuổi sẽ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tầng lớp nghèo. Đến giữa thế kỷ này, người cao tuổi tại châu Á sẽ đông hơn người trong độ tuổi lao động, lực lượng phải làm việc để nuôi sống họ. Hiện tại, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, chính phủ các nước đang nâng tuổi nghỉ hưu. Singapore đã tăng tuổi nghỉ hưu theo luật định từ 62 tuổi lên 65 tuổi và mới đây là 67 tuổi. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xem xét tăng tuổi hưu từ 57 lên 60 và Trung Quốc cũng đã tăng tuổi nghỉ hưu nam giới và cả nữ giới đều lên 65 tuổi. Còn tại Nhật Bản, hầu hết người lao động đều làm việc quá tuổi nghỉ hưu theo luật định (60 tuổi).
Trong cuộc “cách mạng đầu bạc”, Nhật Bản đang trở thành nước tiên phong và nhiều nước châu Á cũng đang rục rịch đi theo. Mới đây, Chính phủ Nhật phải tìm cách tăng 5% thuế vào hàng hóa để trang trải các chi phí chăm sóc người già. Bên cạnh thiếu hụt lực lượng lao động, người gia tăng nhanh đang đẩy nhiều nước châu Á đứng trước tình trạng quỹ lương hưu cạn kiệt do nguồn thu không đủ để bảo đảm cho lực lượng người hưởng lương hưu.
Trong 20 năm nữa, quỹ phúc lợi Trung Quốc sẽ thiếu tới 10.000 tỷ USD để có thể bảo đảm cho tất cả những người già có thu nhập, so với khoảng 2.600 tỷ USD năm 2010. Không chỉ có Trung Quốc, nhiều nước châu Á khác đang đứng trước những lỗ hổng lớn về ngân sách phúc lợi xã hội, đặc biệt là lương hưu.
Tại Indonesia, quốc gia có dân số khá trẻ, hệ thống lương hưu chỉ đủ cung cấp cho 14% người lao động làm việc trong khu vực tư nhân. Nhiều nước bắt đầu cho phép các quỹ phúc lợi xã hội đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hơn. Trước đây, một số nước như Indonesia, Philippines chỉ cho phép đầu tư một phần rất nhỏ quỹ hưu trí vào các tài sản rủi ro như chứng khoán, phần lớn còn lại dành vào các khoản dài hạn nhưng tương đối chắc chắn như trái phiếu chính phủ. Tại Ấn Độ, quỹ hưu trí chỉ đầu tư chưa đến 15% vào cổ phiếu. Hiện nay, nhiều nước bắt đầu tham gia mạnh dạn hơn, nhưng vẫn chưa đủ sức bù đắp cho nhu cầu trong tương lai.
Theo Eastasiaforum, mặc dù kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc có bao gồm việc thành lập hệ thống chăm sóc người già nhưng thực tế chỉ bảo đảm chăm sóc ở mức độ rất khiêm tốn, phần chi phí hỗ trợ và chăm sóc chính vẫn thuộc về gia đình. Tỷ lệ tuổi già phụ thuộc vào sự thay đổi của các hoàn cảnh kinh tế - xã hội ảnh hưởng không nhỏ tới mối liên hệ gắn kết giữa các thế hệ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Người cao tuổi đang mất dần vị thế của mình. Đây rõ ràng là một thách thức về chính sách lớn cho nhiều nước trong khu vực.
HẠNH CHI