“Cuộc chiến” chợ truyền thống - cơ sở pháp lý nào?

Lâu nay việc xác định thế nào là chợ truyền thống, giá thuê sạp trong chợ được xác định căn cứ vào đâu là vấn đề nóng. Nhiều cuộc tranh chấp xảy ra, nổi bật nhất là trường hợp của tiểu thương chợ An Đông hồi đầu năm 2018. Qua bài viết này, chúng tôi phân tích và cung cấp một vài cơ sở pháp lý để tiểu thương tham khảo.
Mua bán tại chợ An Đông. ẢNh: CAO THĂNG
Mua bán tại chợ An Đông. ẢNh: CAO THĂNG

Quá nhiều nguồn thành lập

Mặc dù khái niệm “chợ” được quy định rõ trong Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ là “Chợ được điều chỉnh trong nghị định này là loại chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư. Các loại siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm giao dịch mua bán hàng hóa, bao gồm cả siêu thị, trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài, không thuộc đối tượng điều chỉnh nghị định này”.

Thế nhưng trên thực tế có những loại chợ không nằm trong quy hoạch, được hình thành một cách tự phát (gọi là chợ tự phát) nhưng chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn ngầm cho tồn tại để thu hoa chi, phục vụ phúc lợi riêng của địa phương. Trên nhiều tuyến đường người dân công khai buôn bán, lấn chiếm, không cho xe cộ lưu thông nhưng chính quyền địa phương không xử lý mà thậm chí còn lập tổ quản lý để thu hoa chi. Đó là những hoạt động không hợp pháp, thực tế diễn ra nhiều địa phương, có sự tiếp tay của chính quyền cấp xã, phường. Điều này cần được xử lý.

Một số chợ được nhà nước bỏ tiền đầu tư xây dựng, song công tác quản lý không đồng bộ nên thương nhân kinh doanh không hiệu quả. Cụ thể, việc cho phép buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, xử lý không triệt để chợ tự phát đã dẫn đến người buôn bán hợp pháp trong chợ ế ẩm vì khách mua ngoài lòng lề đường tiện hơn. Đó là một bất hợp lý và cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trong khi theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP quy định nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bao gồm: “Nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và của nhân dân đóng góp; nguồn vốn vay tín dụng; nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước; trong đó chủ yếu là nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và nguồn vốn vay tín dụng. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư xây dựng các loại chợ”.

Nhưng thực tế rất ít khi kêu gọi được nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Nếu kêu gọi vốn đầu tư vào chợ truyền thống thì phải thỏa mãn điều kiện trong Nghị định 51/1999/NĐ-CP, có nghĩa là phải thành lập doanh nghiệp, nhà nước cùng tham gia góp vốn bằng tiền hoặc đất, được thuê đất, mua đất… 

An Đông có phải chợ truyền thống?

Việc tiểu thương chợ An Đông muốn quyền sở hữu sạp là câu chuyện pháp lý khiến nhiều người quan tâm. Tiểu thương cho rằng, nguồn tiền xây dựng chợ An Đông không có nguồn gốc ngân sách nhà nước, mà từ đóng góp của tiểu thương từ đầu thập niên 1990. Thế nhưng, thực tế chợ được xây trên đất của nhà nước. Và để cấu thành một tài sản, không chỉ là tài sản trên đất mà còn là đất đai xây dựng. Do vậy, việc đòi sở hữu sạp khi xây dựng trên đất nhà nước là không có cơ sở.

Từ năm 1990, UBND quận 5 giao Công ty Phát triển Nhà quận 5 (nay là Ban quản lý Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông) hợp tác với Công ty Xây dựng Việt Hoa xây chợ theo hợp đồng về đầu tư khai thác, sử dụng, quản lý công trình Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông với thời hạn 20 năm (từ năm 1990 - 2011). Đây là hình thức liên kết xây chợ theo kiểu xây dựng - sử dụng - chuyển giao ngày nay. Do vậy, thời hạn hợp tác sử dụng chỉ 20 năm, sau khi hết thời hạn đó thì toàn bộ công trình được giao lại cho UBND quận 5 tổ chức quản lý. 

Do chợ xây trên đất nhà nước nên thuộc đối tượng chợ truyền thống của Nghị định 02/2003/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 114/2009/NĐ-CP). Cụ thể, tại Điều 11 Nghị định 02/2003/NĐ-CP quy định rõ chợ có nhiều loại như  “giao cho thương nhân sử dụng kinh doanh trong trường hợp có hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ hoặc trả tiền sử dụng một lần trong thời hạn nhất định sau khi chợ được xây dựng xong; loại cho thương nhân thuê để kinh doanh”.

Theo đó, hết thời hạn 20 năm, công ty bàn giao tài sản trên đất lại cho nhà nước quản lý là đúng theo thỏa thuận. Các hợp đồng sau này với tiểu thương, chính quyền căn cứ theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP để ban quản lý ký “Hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh” là đúng quy định. Tuy nhiên, khi hết thời hạn hợp đồng thì theo Bộ luật Dân sự, những tiểu thương đang kinh doanh sẽ được ưu tiên ký tiếp hợp đồng mới.

Tin cùng chuyên mục