Cuộc chiến chống đói nghèo ở Campuchia

Từ ngày 9 đến 13-12, đại diện của Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và đại sứ phái bộ Mỹ tại LHQ (USUN) ở Rome cùng đoàn báo chí châu Á đã có chuyến thăm đánh giá tình hình thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo ở 6 tỉnh của Campuchia.
Cuộc chiến chống đói nghèo ở Campuchia

Từ ngày 9 đến 13-12, đại diện của Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và đại sứ phái bộ Mỹ tại LHQ (USUN) ở Rome cùng đoàn báo chí châu Á đã có chuyến thăm đánh giá tình hình thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo ở 6 tỉnh của Campuchia.

        Hỗ trợ phát triển bền vững

Kể từ giữa những năm 1990, Campuchia đã đạt những thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Tăng trưởng GDP của Campuchia trong giai đoạn 2003 - 2007, trung bình đạt 10% và từ năm 2010 đến nay trung bình đạt 7%. Tuy nhiên, những thành tựu đó vẫn chưa đảm bảo được an ninh lương thực và nguồn dinh dưỡng cho người dân.

Theo số liệu của WFP, 18% dân số Campuchia vẫn đang sống dưới mức chuẩn nghèo về lương thực và tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức 40%. Đặc biệt, số người ở mức “cận nghèo” khá cao, nếu họ chỉ cần mất đi thu nhập 0,3 USD/ngày, sẽ có 3 triệu người Campuchia rơi trở lại diện nghèo, tăng gấp đôi tỷ lệ người nghèo, lên đến 40%. Vấn đề người dân tiếp cận đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm vẫn là mối quan tâm lớn của Chính phủ Campuchia. Các hộ ở nông thôn chi tiêu trung bình từ 60% đến 70% cho lương thực.

Dù vậy, Campuchia có nhiều cơ hội để giải quyết thách thức này thông qua các yếu tố: nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng lạc quan, năng suất nông nghiệp gia tăng và chính sách an ninh lương thực năng động cùng với ưu tiên của Chính phủ trong vấn đề bảo vệ xã hội.

Để hỗ trợ Chính phủ Campuchia đương đầu với các thách thức về an ninh lương thực, WFP đã có nhiều dự án tại các tỉnh, nhất là những tỉnh có tỷ lệ người nghèo cao với tổng số tiền 142 triệu USD. Những dự án này tập trung vào mạng lưới an toàn xã hội dựa trên nền tảng lương thực, tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, hỗ trợ chăn nuôi và canh tác nông nghiệp.

Chiến lược của WFP tại Campuchia là đưa nước này từ giai đoạn hồi phục sau chiến tranh đi đến phát triển, từ chỗ phải nhận viện trợ lương thực đến chỉ còn trợ giúp lương thực, từ chỗ bắt đầu áp dụng các biện pháp an ninh lương thực đến khả năng Campuchia tự đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.

Em Roen Saven cùng bố mẹ. Em là một trong 20.000 học sinh Campuchia nhận học bổng lương thực của WFP.

Em Roen Saven cùng bố mẹ. Em là một trong 20.000 học sinh Campuchia nhận học bổng lương thực của WFP.

Với FAO, tại Campuchia, FAO có chương trình quốc gia Khuôn khổ ưu tiên phát triển trung hạn (NMTPF, giai đoạn 2011 - 2015) tập trung vào nỗ lực phát triển bền vững nông, lâm, ngư với 5 ưu tiên: cải thiện sản lượng nông nghiệp bền vững cho các hộ nông dân nghèo, cải thiện khả năng tiêu thụ nông sản ở chợ, cải thiện an ninh lương thực, cải thiện tình hình quản lý tài nguyên và tăng cường khả năng đối phó và thích ứng với thiên tai.

        Từ đồng ruộng đến gia đình

Các hộ nông dân nghèo ở Campuchia nếu có diện tích đất canh tác dưới 0,5ha sẽ là đối tượng được WFP và FAO cũng như các tổ chức quốc tế khác ưu tiên giúp đỡ. Không chỉ trợ giúp về lương thực, WFP và FAO tập trung giúp đỡ nông dân cách tự nuôi sống mình thông qua kỹ thuật canh tác và chăn nuôi, tiêu biểu là dự án cải thiện an ninh lương thực và liên kết thị trường cho các hộ nông dân nghèo (MALIS) do FAO chủ trì.

Tại làng Cheung Tien, huyện Chongkal, tỉnh Oddar Meanchey, nông dân được tổ chức thành từng nhóm nhỏ từ 10 đến 18 người/nhóm để được FAO hướng dẫn các kỹ thuật canh tác như cách trồng lúa, bón phân, cách sử dụng thuốc trừ sâu. Những nhóm này còn được đưa đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Nhờ vậy, sản lượng lúa của bà con nơi đây đã tăng từ 2,5 tấn/ha lên 4,5 tấn/ha.

Cũng nhờ kỹ thuật từ chương trình này, người nuôi gà cũng đã giảm được tỷ lệ gà chết. Những hộ thiếu vốn sẽ nhận được vốn tài trợ từ EU thông qua FAO. EU đã thông qua khoản viện trợ 5 triệu USD trong giai đoạn 2012 - 2015 để thực hiện MALIS. Ngoài các nhóm nói trên, MALIS cũng lập các trường hướng dẫn trồng trọt, hướng dẫn nông dân kinh doanh, dạy về dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ.

Oddar Meanchey và Preah Vihear là 2 tỉnh trọng điểm của MALIS. Đến nay, MALIS đã hình thành 200 nhóm với tổng cộng 7.500 hộ tại 2 tỉnh này. Ngoài dự án MALIS, FAO cũng liên kết với Quỹ quốc tế vì phát triển nông nghiệp (IFAD) và Chính phủ Hoàng gia Campuchia trong năm 2012 hình thành dự án Tăng cường sức mạnh kinh tế và nông nghiệp (PADEE). Mục tiêu của PADEE là cải thiện sản lượng nông nghiệp và đa dạng hóa các nguồn thu nhập của nông dân. Đến nay, PADEE đã vận động được tổng cộng 43,2 triệu USD.

Tại thôn Roka Chonlueng, huyện Khach Kandal, tỉnh Kandal, chúng tôi đến thăm nhà một nông dân kết hợp vườn, ao chuồng thuộc dự án PADEE. Gia đình này nuôi bò làm ruộng kết hợp lấy phân bò để làm hầm biogas. Mỗi ngày thu được 15kg phân bò có thể dùng sản xuất ra lượng khí đốt dùng trong 2 giờ, chủ yếu để nấu ăn. Hiện nay, thông qua mô hình này, cả nước Campuchia thu được 45.000 tấn khí đốt. FAO còn có chương trình đưa nông dân làm đường, đào kênh, đào ao nuôi cá, đổi lại nông dân được trả công bằng tiền mặt hoặc lương thực.

Nếu như FAO quan tâm đến các dự án thiên về canh tác và hạ tầng nông thôn thì WFP tập trung đến con người, cụ thể là nông dân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, 2 đối tượng dễ bị tổn thương trong hoàn cảnh đói nghèo.

Chương trình của WFP dành cho các bà mẹ và trẻ em được liên kết với nhiều đối tác như Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) và nhiều tổ chức khác. Từ năm 2007, WFP hợp tác với các tổ chức phi chính phủ xúc tiến chiến dịch “1.000 ngày cơ hội” để hỗ trợ dưỡng chất cho trẻ em nghèo từ khi nằm trong bào thai đến lúc 2 tuổi. Các bà mẹ từ khi bắt đầu mang thai đến 6 tháng sau khi sinh cũng được thụ hưởng chương trình này. Hàng tháng, các bà mẹ và trẻ em được phát sữa và bột dinh dưỡng.

Riêng tại tỉnh Siem Reap, từ tháng 7-2011 đến tháng 9-2013, đã có hơn 1.460 tấn thực phẩm tài trợ cho 256 làng với 12.528 người được thụ hưởng. Nhờ chương trình này, 3 tháng đầu năm 2012, tổng số trẻ em ở Siem Reap bị suy dinh dưỡng 35%, đến cùng kỳ năm 2013 giảm còn 14%.

WFP còn có chương trình bữa ăn trường học và học bổng cho trẻ em nghèo. Tại thôn Run Taek, huyện Banteay Srey, tỉnh Siem Reap, em Roen Saven, 14 tuổi, học lớp 5, được nhận học bổng 10kg gạo mỗi tháng. Mẹ em, chị Na Voon, 30 tuổi cùng chồng không nhà, phải sống nương tựa vào nhà ông anh cũng thuộc dạng “chuẩn nghèo”.

Vợ chồng Na Voon thuê rẫy trồng lúa mỗi vụ kiếm được khoảng 350kg gạo, chỉ đủ sống trong 5 tháng, thời gian còn lại, anh chị làm thuê với thu nhập 2,5 USD/ngày. 10kg gạo học bổng của Saven chỉ giúp gia đình em có thêm 10 ngày cơm nhưng thực ra, đó là cách để em không bỏ trường. Đó cũng là mục đích của chương trình khi áp dụng học bổng lương thực cho các trẻ từ lớp 4 đến lớp 6, độ tuổi hay bỏ trường nhất.

Chương trình học bổng lương thực của WFP là một trong những chương trình lớn nhất của WFP ở Campuchia. Trong năm học 2012-2013, đã có 4.170 trường tiểu học đạt 62% tổng số trường tiểu học trên cả nước Campuchia có học bổng lương thực với 20.000 em học sinh được học bổng trong 2 năm. Ngoài học bổng lương thực, WFP còn có chương trình học bổng tiền mặt tương đương 10kg gạo.

USAID cũng có nhiều chương trình riêng hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn Campuchia. Một trong những chương trình đáng chú ý nhất của USAID tại Campuchia là chương trình HARVEST kéo dài từ tháng 12-2010 đến tháng 12-2015 với tổng số tiền tài trợ 56 triệu USD. Cũng tương tự các chương trình của FAO, HARVEST giúp nông dân kỹ thuật canh tác, chăn nuôi và cả vốn, tập trung vào 4 tỉnh xung quanh hồ Tonle Sap gồm Pursat, Battambang, Siem Reap và Kampong Thom với 260 kỹ thuật viên đồng ruộng trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm, ngư, dinh dưỡng.

HARVEST bắt đầu từ tháng 1-2011 dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12-2015 với mục tiêu tăng thu nhập cho 70.000 hộ nông dân, trong đó có 10% thuộc dạng cực nghèo, mang lại lợi ích kinh tế cho 140.000 người, đa dạng canh tác (ngoài lúa còn trồng nhiều loại cây hoa màu xen canh) cho 31.500 hộ. USAID còn tổ chức chương trình bếp ăn di động đến các làng nghèo.

Đánh giá về các chương trình tại Campuchia, ông Joachim Groder, người đứng đầu các chương trình của WFP tại Campuchia cho biết, WFP không có quỹ riêng mà chỉ huy động quỹ từ các nhà tài trợ, sau đó lên chương trình trợ giúp cụ thể. Ngoài các chương trình đã và đang được thực hiện giúp thay đổi bộ mặt nông thôn Campuchia, WFP đang rất cần thêm sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ để tiếp tục kéo dài các chương trình của mình sau năm 2015 và đưa Campuchia tới giai đoạn không cần trợ giúp từ WFP.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục