Những ngày này, thông tin về “cuộc chiến phúc lợi xã hội” giữa chính phủ Tổng thống Lee Myung-bak và các chính quyền địa phương xuất hiện dày đặc trên các trang báo Hàn Quốc.
Đỉnh điểm của căng thẳng là vào ngày 29-3, 16 lãnh đạo tỉnh, thành yêu cầu Tổng thống Lee hỗ trợ ngân sách địa phương để triển khai chương trình phúc lợi xã hội mới. Họ dọa tẩy chay chương trình nếu chính phủ không đáp ứng yêu cầu của họ.
Đến Hàn Quốc chưa lâu nên tôi không hiểu rõ lắm nguồn gốc của “cuộc chiến” này. Chỉ qua trò chuyện với những người hàng xóm dễ mến như bác Kim tôi mới vỡ lẽ nhiều thứ. Theo lời bác Kim, câu chuyện bắt đầu vào cuối năm ngoái, khi chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng ngân sách cho phúc lợi xã hội năm 2012 lên 6,4%, tương đương 76,6 tỷ USD để tập trung vào dịch vụ chăm sóc trẻ em và một số lĩnh vực khác, bổ sung cho các chương trình phúc lợi hiện hành. Cụ thể, các gia đình có con em dưới 5 tuổi sẽ được nhận 200.000 won (tương đương 170 USD) hàng tháng, bất kể mức thu nhập. Ngân sách chi cho việc xây dựng thêm các trung tâm chăm sóc trẻ em cũng được tăng gấp đôi.
Lý giải cho việc này, Tổng thống Lee giải thích đây là một trong những chính sách nhằm thúc đẩy một xã hội bình đẳng hơn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mục đích của Tổng thống Lee là muốn vận động thêm những lá phiếu ủng hộ của cử tri trong vòng bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 4 và cuộc bầu cử Tổng thống trong tháng 12 năm nay. Có lẽ vì thế mà từ khi chính sách này ra đời và cũng do yêu cầu của chính phủ buộc các địa phương phải cân đối thu - chi, hoặc phải tự chủ về tài chính để bổ sung nguồn quỹ cho phúc lợi xã hội, tranh cãi liên tiếp nổ ra.
Chính phủ bị chỉ trích vì vội vàng đưa ra quyết định dựa trên chủ nghĩa dân túy mà không cần xem xét tài chính. Các chính quyền địa phương cho rằng, trong tình hình kinh tế Hàn Quốc vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu rủi ro như hiện nay, các chaebol (tập đoàn được điều hành bởi một gia đình) ngày càng giàu thêm nhưng không tạo ra thêm nguồn thu thuế cho địa phương thì giải pháp tăng chi cho phúc lợi xem ra không mấy khả thi. 16 tỉnh và thành phố phản đối chính sách của chính phủ cho biết không thể làm như vậy bởi vì họ không thể tự chủ tài chính vì vẫn còn phụ thuộc vào khoản trợ cấp nhà nước cho hơn một nửa ngân sách.
Thực tế, ngân sách bị phân bổ quá mức cho phúc lợi xã hội sẽ rất khó điều chỉnh nếu các dịch vụ phúc lợi xã hội không thật sự mang lại hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều mối lo ngại rằng chi tiêu quá nhiều cho phúc lợi có thể đe dọa tới sức khỏe tài chính của quốc gia. Vì lý do này, các chuyên gia tài chính của Hàn Quốc từng khuyến cáo tính hiệu quả của các chương trình phúc lợi hiện tại nên được kiểm tra lại để có thể đưa ra mức phân bổ ngân sách hợp lý. Xem ra, bước đầu tiên triển khai chương trình phúc lợi mới đã gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Chính phủ Tổng thống Lee đúng hay sai khi quyết định thực hiện kế hoạch này? Có lẽ, cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra trong hơn 10 ngày nữa với kết quả là tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho đảng GNP cầm quyền sẽ giải đáp được câu hỏi này.
Hà Khanh