Cuộc chiến phức tạp

Twitter, mạng xã hội truyền thông hàng đầu thế giới, trong tuần qua đã bị tấn công. Đây được xem là một trong các cuộc tấn công hiếm hoi vào một trang mạng xã hội toàn cầu. Cuộc tấn công được cho là tinh vi khi những kẻ tấn công thâm nhập tài khoản để thu thập thông tin khoảng 250.000 người.

Twitter, mạng xã hội truyền thông hàng đầu thế giới, trong tuần qua đã bị tấn công. Đây được xem là một trong các cuộc tấn công hiếm hoi vào một trang mạng xã hội toàn cầu. Cuộc tấn công được cho là tinh vi khi những kẻ tấn công thâm nhập tài khoản để thu thập thông tin khoảng 250.000 người.

Giám đốc an ninh của Twitter, Bob Lord, xác nhận Twitter phát hiện ra một cuộc tấn công trực tiếp và ông đã lập tức đóng cửa trang web này. Không lâu sau, Twitter cho biết họ đã khôi phục hoạt động trang web và thông báo cho người dùng bị ảnh hưởng. Công ty đang làm việc với Chính phủ Mỹ và thực thi pháp luật liên bang trong nỗ lực theo dõi những kẻ tấn công. Trước đó, hai tờ báo lớn của Mỹ là New York Times và Wall Street Journal khẳng định đã bị các tin tặc từ Trung Quốc tấn công.

Twitter mặc dù là mạng xã hội nhưng ảnh hưởng của nó với đời sống chính trị tại nhiều nước ngày càng rõ rệt. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Nga Medvedev thường xuyên bày tỏ cảm xúc trên Twitter. Ngay sau khi có tin tái đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama đã lên Twitter gửi lời cảm ơn cử tri. Thủ tướng Nga Medvedev thường giãi bày ý kiến về các vấn đề chống tham nhũng trên Twitter. Không những thế, trong các cuộc biểu tình của “Mùa xuân Ảrập”, Twitter trở thành công cụ quan trọng để mọi người kêu gọi tập hợp, xuống đường tham gia phong trào.

Đứng trước mức độ “nguy hiểm” của Twitter, không lạ gì khi nhiều nước ra sức chặn trang web này như Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên… Cũng không thể bỏ qua mạng lưới các nhóm tội phạm chuyên nghiệp ngày đêm tìm đủ mọi cách moi thông tin người sử dụng internet để từ đó truy ra số tài khoản ngân hàng và nhiều bí mật cá nhân khác liên quan đến tài sản. Đó là lý do tại sao trong những năm qua, các nhóm như vậy, với số thành viên lên đến cả trăm người, liên tiếp bị cảnh sát các nước Đông Nam Á bắt giữ.

Nếu Mỹ trong thế kỷ 20 hay 10 năm đầu thế kỷ 21 xem khủng bố là đe dọa lớn nhất, có lẽ giờ đây, tội phạm tin học đang gây những hậu quả không kém. Tờ Los Angeles Times mới đây cho biết Mỹ đã bắt giữ 3 người nước ngoài quốc tịch Nga, Latvia và Romania với cáo buộc tạo ra virus Gozi gửi đến 40.000 máy tính ở Mỹ với mục đích ăn cắp tài khoản ngân hàng và nhiều thông tin khác, làm thiệt hại nhiều triệu USD. Nước Mỹ đã trở thành mục tiêu đầu tiên của các cuộc tấn công mạng từ các băng nhóm tội phạm quy mô trong nước lẫn quốc tế. Washington nhiều lần tố cáo các nước mà họ cho là thù địch với Mỹ tấn công vào các trang web của NASA hay FBI, CIA để thu thập thông tin tình báo. Theo các hãng thông tấn nước ngoài, trong một cuốn sách mới xuất bản, Chủ tịch Google Eric Schmidt không ngần ngại gọi Trung Quốc là mối đe dọa internet khi ủng hộ các cuộc tấn công mạng nhằm hưởng lợi về kinh tế và chính trị. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.

Xem ra, cuộc chiến tranh mạng mà Washington đang đối phó ngày càng trở nên phức tạp và mất kiểm soát dù Mỹ là nước làm chủ internet với vai trò là nước có các máy chủ nhiều nhất thế giới.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục