Cuộc chiến thuế khí thải hàng không

Mặc dù đến ngày 30-4-2013, Liên minh châu Âu (EU) mới áp dụng thuế carbon mới (ETS) với các hãng hàng không Trung Quốc, để có thời gian tính toán lại lượng khí thải hàng năm của các máy bay nước này, nhưng ngày 6-2, Chính phủ Trung Quốc đã cấm các hãng hàng không của mình chấp hành luật thuế khí thải của EU. Động thái này đã đẩy cuộc chiến khí thải của Trung Quốc và hơn 20 nước, bao gồm Mỹ, Nga và Ấn Độ, với EU lên mức cao trào.

Thuế carbon mới của EU được áp dụng từ ngày 1-1-2012, quy định mọi hãng hàng không có chuyến bay đến các nước thuộc khu vực này phải mua lại 15% lượng khí thải CO2 của mình (tăng lên 18% vào năm 2013). Hãng nào không chấp hành sẽ phải nộp phạt 100 EUR cho mỗi tấn CO2 và bị cấm bay trên không phận 27 quốc gia thành viên EU.

Thuế carbon được xem là “hậu sinh” của Nghị định Montreal (hạn chế chất thải gây hại tầng ozone) và Nghị định thư Kyoto (hiệp ước quốc tế giảm lượng khí thải nhà kính). Trong bối cảnh hiệp ước ký kết tại Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, thì thuế carbon đã trở thành “ứng viên sáng giá” để bảo vệ môi trường thời hậu Nghị định thư Kyoto vì nhân loại đang nỗ lực giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 20C vào thế kỷ sau, để tránh những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Thuế carbon mới do EU đề xuất năm 2005 nhằm giảm khí thải từ các nhà máy. Khi mà vẫn chưa có thỏa thuận quốc tế nào về khí thải hàng không (chiếm 3% lượng khí thải toàn cầu mỗi năm), EU đã quyết định áp dụng luật này cho các hãng hàng không. Quyết định này đã bị 26/36 thành viên Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) phản đối quyết liệt, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc tuy chỉ có lượng khí thải CO2/đầu người là 4,57 tấn/năm nhưng lại có dân số đông nhất thế giới nên hiện là “mảng đen” về môi trường với lượng khí thải đứng thứ 2 thế giới. Các hãng hàng không tính toán rằng luật thuế mới sẽ gây thiệt hại trên toàn cầu cho ngành công nghiệp này 23,8 tỷ USD trong vòng 8 năm nữa. Các chuyên gia lo ngại điều này sẽ khởi nguồn cuộc chiến thương mại mà “bên nào cũng là kẻ thua”.

Giống như các nước khác, lệnh cấm trên của Trung Quốc xuất phát từ nỗi lo họ phải mất thêm 125 triệu USD/năm cho các chuyến bay đến châu Âu và con số này có thể tăng gấp 4 lần trong năm 2020. Theo một quan chức của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, thuế carbon mới mà EU đưa ra đã vi phạm Công ước về biến đổi khí hậu của LHQ và nguyên tắc của ICAO.

Trước đó, các nhà đàm phán của lưỡng viện Mỹ cũng đồng ý dự luật không chấp hành thuế carbon mới của EU và theo dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua dự luật này trong vài tuần tới. Nhưng hiện tại, Hiệp hội hàng không Mỹ vẫn vừa miễn cưỡng chấp nhận thuế carbon mới lại vừa phản đối nó.

Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng chi phí gia tăng có thể kiểm soát được. Như việc các hãng hàng không có thể tăng giá vé 5 - 32 USD cho mỗi chuyến bay khứ hồi. Nhiều hãng hàng không cũng đã áp dụng cách này kể từ khi luật thuế của EU có hiệu lực. Điển hình là Delta Airlines của Mỹ, một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới, đã phụ thu 6 USD cho các chuyến bay khứ hồi giữa Mỹ và châu Âu.

Đại sứ EU tại Trung Quốc Markus Ederer cho rằng, mâu thuẫn giữa các bên có thể được giải quyết thông qua đàm phán song phương hoặc đa phương.

Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục