Cuộc điều chỉnh quy hoạch tiếp nối lịch sử

Trong cuộc khảo sát sông Sài Gòn vào trung tuần tháng 5, sau khi lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đồng thuận: “Không nhất thiết phải quy hoạch và làm hết, chính quyền chỉ cần tạo khung quy hoạch từng đoạn sông cụ thể”. Đồng chí cũng nêu rõ: “Song song đó phải quy hoạch lại để tính việc khai thác lâu dài”. 

Nhìn rộng ra, với quy hoạch tổng thể TPHCM, người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng nhất quán với quan điểm đó. Một mặt, đứng trước những “khát vọng”, “đề xuất” chuyển đổi 4 huyện lên thành phố, đồng chí lưu ý: “Lên thành phố hay quận không quan trọng mà phải đảm bảo chất lượng sống của người dân và tạo môi trường thuận lợi cho người dân làm ăn, phát triển”. Mặt khác, những điều chỉnh phải căn bản, vừa đảm bảo “cốt nền” cho sự định hình - phát triển bền vững, lâu dài (với Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060) vừa bao gồm cả tính Mở - mang đặc thù bản địa mà cũng là đặc tính của một quy hoạch dài hạn. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu 
khảo sát sông Sài Gòn chiều 15-5-2022. Ảnh: DUYÊN PHAN
Một lý do thực tế quan trọng là, làm sao những định hướng, tính toán quy hoạch như một biện pháp để “dẹp tan” những toan tính đầu cơ, gây bất ổn thị trường, xáo trộn đời sống xã hội. Vì vậy, từ bàn bạc, phản biện - đồng thuận, thông qua, đến nguồn lực, phân kỳ, phân công… của việc thực hiện quy hoạch sẽ phải đảm bảo công khai, minh bạch trước toàn dân. Nói cách khác, người dân là một trong những chủ thể của quy hoạch và quy trình hiện thực hóa quy hoạch đó.

Nhìn lại những đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, từ năm 1998 đến năm 2010, năm 2020, một đặc tính cố hữu là giữa quy hoạch với thực tế đời sống vẫn luôn có một độ vênh khá lớn. Trong đó, xu hướng dân số tập trung quanh khu vực “dễ sống” và “việc làm” nên một khi những tính toán quy hoạch thiếu nguồn lực đầu tư, việc “vỡ quy hoạch” là điều có thể thấy trước.

Ngay cả trong cấu trúc đô thị đề xuất của quy hoạch năm 2020 là “tập trung đa cực”, do thiếu nguồn lực đầu tư cho các “cực” nên thực tế, đô thị vẫn phát triển “tập trung” trong khu trung tâm 930ha và lan tỏa ra xung quanh kiểu vết dầu loang, đến gần các “cực” khiến mô hình đô thị vệ tinh không phát huy tác dụng. Điển hình, trong khi khu trung tâm vẫn quá tải thì các khu đô thị vệ tinh như Tây Bắc, Hiệp Phước, Tam Đa chưa kịp hình thành, hay được xây dựng một cách manh mún. Trong những dạng thức mô hình phát triển, dù đã được lưu tâm, khuyến nghị về tính riêng biệt để phát huy lợi thế nhưng thực tế, chưa tạo được sự khác biệt. Một Nhà Bè của khởi thủy “nước chảy chia hai” với mạng lưới sông rạch nhưng mô hình phát triển đô thị lại không khác mấy so với Củ Chi, Hóc Môn.

Hơn nữa, một tầm nhìn tư duy mang tính chiến lược là nguyên lý của nhà làm quy hoạch và một sức mạnh thực thi tương xứng trong việc định dạng rõ nguồn lực, tổ chức, phân công để hiện thực hóa từng phần các chiến lược - quy hoạch ấy là bản lĩnh, tầm vóc của những người hành động, “nói là làm, hứa phải giữ lời”. Một bản quy hoạch không chỉ thông qua bản vẽ mà còn ở giá trị thuyết minh bằng lời nói, và hơn thế là khả năng, mang tính khả thi nhất, biến nó thành hiện thực. Làm sao để khi hiện thực thành hình, những nét cơ bản đã “vẽ” và “nói” luôn được giữ làm nền; trên nền ấy là những “nét chấm phá” của các ưu tiên chiến lược và đột phá. Nếu không, thành phố sẽ không thể bứt phá trên con đường phát triển của mình, không có lợi thế cạnh tranh so với các địa phương cùng cấp độ phát triển. 

Nhiều chuyên gia đã đi vào một thực tế không khó nhận ra là: TPHCM đang bị chính các đô thị trong vùng TPHCM cạnh tranh. Những định hướng phát triển không gian thành phố trước đây có phần “đóng” theo ranh giới hành chính mà không tính toán đến lợi thế cạnh tranh tương đối của cả vùng, hay hơn trên thế nữa là chủ động điều phối phân công lao động trong chuỗi giá trị toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do thiếu một “nhạc trưởng” điều phối vùng, thực hiện chức năng phân vai sau khi quy hoạch được duyệt, những cuộc đua “không hồi kết” đang diễn ra giữa các cảng biển và đô thị cảng Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải hay cảng quốc tế Long An. Hay các khu công nghiệp cách nhau không xa về địa lý nhưng lại không mang tính bổ sung hay cùng nhau thúc đẩy phát triển, mà “mạnh ai nấy làm”, hay thậm chí là “cạnh tranh” với nhau theo đường trôn ốc đi xuống. 

Như đã nói, quan trọng nhất vẫn là tính toán các nguồn lực để thực hiện đúng, trúng và đầy đủ những nền tảng - linh hoạt của bản điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, nhiều nguyên tắc phát triển đô thị đã được các chuyên gia khuyến nghị từ việc xác định lại triết lý phát triển cốt lõi phù hợp với tình hình mới ở địa phương, làm kim chỉ nam cho tất cả các kế hoạch, đề án phát triển của thành phố, thành phố trong thành phố, các “trục” của thành phố; đến chú ý tới những lợi thế đặc thù và tìm cách phát triển lợi thế đó. Để giữ vai trò dẫn dắt, TPHCM thay vì làm những việc mà các tỉnh thành khác đang làm, phải ưu tiên vào lợi thế của mình (tri thức, khoa học - công nghệ và dịch vụ chất lượng cao), xây dựng phương án sử dụng và dành đất để phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ xoay quanh các định hướng phát triển đã khẳng định nhiều lần qua các giai đoạn của thành phố. 

Có như vậy, ý tưởng, bản vẽ mới đi cùng hướng với các nguồn lực thu hút về, tạo tiền đề cho các kịch bản phát triển khả thi trong những năm tới.

Tin cùng chuyên mục