Năm 2016 là năm quan trọng đối với nước Mỹ khi cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra. Bên cạnh sự ganh đua về chính trị, những khoản kinh phí mà các đối thủ chi cho các cuộc bầu cử hứa hẹn đem đến sức nóng cho cuộc chạy đua sắp tới.
Các cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ sẽ chứng kiến những khoản kinh phí đắt đỏ nhất trong lịch sử với việc các ứng cử viên sẽ chi khoảng 16,5 tỷ USD để chạy đua vào các ghế tổng thống, hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và các chức danh chính quyền địa phương. Kết quả báo cáo mới nhất của Borrell Associates, một trong những công ty tư vấn và quảng cáo lớn nhất ở Mỹ, cho biết, các ứng cử viên tổng thống sẽ chi số tiền kỷ lục 11,4 tỷ USD cho hoạt động quảng cáo chính trị trong cuộc bầu cử năm 2016, tăng 20% so với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014. Theo ước tính của công ty trên, trung bình, mỗi ứng viên tổng thống Mỹ sẽ chi khoảng 120,8 triệu USD, mỗi ứng cử viên chạy đua vào Thượng viện chi khoảng 7,3 triệu USD và mỗi ứng cử viên chạy đua giành một ghế Hạ viện chi khoảng 1,6 triệu USD.
BloombergView đánh giá, nếu giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, hai chính khách Hillary Clinton và Jeb Bush sẽ lần lượt chi 2 tỷ USD để vận động tranh cử, nhiều gấp đôi số tiền mà Tổng thống Barack Obama và đối thủ Mitt Romney đã chi cho chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2012. Trong khi đó, ứng cử viên Donald Trump, hiện đang bỏ xa các ứng cử viên khác để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, cũng tuyên bố cá nhân ông sẵn sàng chi 1 tỷ USD cho hoạt động tranh cử nếu cần thiết.
Tại các cấp bầu cử địa phương, dự kiến mỗi ứng cử viên tranh cử ghế thống đốc bang sẽ chi 2,6 triệu USD, trong khi mỗi ứng viên cũng phải chi 1 triệu USD cho chiến dịch tranh cử ghế nghị sĩ bang. Việc chi tiền vận động tranh cử sẽ được tập trung tại một số bang trọng điểm, trong đó 1,2 tỷ USD được chi tại bang California và 896 triệu USD tại bang Texas.
Năm 2016 còn đánh dấu sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của kỹ thuật số trong bầu cử. Sau khi các ứng viên chi 159 triệu USD cho việc vận động tranh cử trên các thiết bị kỹ thuật số vào năm 2012, con số trên của mùa bầu cử 2016 dự kiến sẽ lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng kinh phí vận động tranh cử. Theo giới quan sát, việc số tiền dành cho vận động qua các thiết bị kỹ thuật số tăng mạnh là kết quả của 3 xu hướng truyền thông hiện nay. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng người sử dụng điện thoại di động và khả năng tập trung vào nhóm người cụ thể cao.
Sau thành công của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc sử dụng mạng xã hội trong lần tranh cử năm 2008, các ứng viên của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đang tìm mọi cách để giành được lượng người theo dõi trên mạng xã hội Twitter nhiều nhất. Ngoài ra, Borrell Associates còn cho biết những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram... sẽ chiếm hơn một nửa số chi phí cho vận động bằng kỹ thuật số, hơn gấp 10 lần so với năm 2012.
Còn hơn 1 năm nữa mới đến ngày các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu (ngày 6-11-2016) bầu ra gương mặt mà họ tin tưởng giao phó vị trí người lãnh đạo đất nước. Nhưng từ bây giờ, cử tri Mỹ đã cảm nhận được sức nóng trong cuộc đua về kinh tế và vận động tranh cử của các ứng viên.
ĐỖ CAO