Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm 4 nước Trung Đông và châu Phi gồm Bahrain, Kuwait, Qatar và Djibouti từ ngày 24-8.
Theo Kyodo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, đây là chuyến thăm nhằm “tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với các quốc gia Trung Đông và châu Phi hướng đến ổn định và thịnh vượng”. Điều này cho thấy Nhật Bản đã bắt đầu xem Trung Đông và châu Phi là đối tác kinh tế tiềm năng hơn là một khu vực chỉ nhận viện trợ. Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) cùng với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đang tận dụng các cơ hội kinh doanh thông qua nhiều hoạt động, gần đây nhất trong năm nay là Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi.
Nhật Bản đang chạy đua với Trung Quốc đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của châu Phi. Theo trang mạng Asia Sentinel, đây có thể xem là nhiệm vụ khó khăn của Nhật Bản khi Trung Quốc đang là diễn viên chính trong quá trình phát triển châu Phi với lợi thế đến trước. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt 138,6 tỷ USD trong năm 2011, gần gấp 5 lần so với kim ngạch giữa Nhật Bản và châu Phi. Trong năm 2013, Thủ tướng Abe cam kết viện trợ và đầu tư tư nhân 32 tỷ USD vào châu Phi trong 5 năm tới, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến công du châu Phi ngay sau khi nhậm chức, cam kết viện trợ châu Phi 20 tỷ USD trong 2 năm.
Năm 1993, Nhật Bản mới bắt đầu khẳng định gắn kết chính sách phát triển với châu Phi, chủ yếu là thông qua phát triển công nghiệp. Trước đó, Nhật Bản, tuy là quốc gia đóng góp nhiều cho viện trợ châu Phi nhưng thường thông qua các tổ chức quốc tế. Tokyo trong năm 2008 cam kết tăng gấp đôi số tiền đầu tư khu vực tư nhân của Nhật Bản vào châu Phi, lên 3,4 tỷ USD vào năm 2010, nhưng thực tế con số này đã lên đến 5,2 tỷ USD.
Nếu như trọng tâm của Nhật Bản tại châu Phi là đầu tư công nghiệp thì tại các nước Trung Đông, cụ thể là Qatar và Kuwait, Nhật Bản quan tâm đến việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân. Tokyo tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu công nghệ hạt nhân bất chấp thực tế đang gánh chịu thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy kế hoạch xuất khẩu của công nghệ hạt nhân lên mức 35.000 tỷ yen (350 tỷ USD) mỗi năm vào năm 2020. Thủ tướng Abe, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ tháng 5-2013, cũng đã ký một hợp đồng đã được chờ từ lâu. Theo đó, Nhật Bản sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên bờ biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ, cột mốc quan trọng cho ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản. Trước đó, một thỏa thuận tương tự đã được ký kết giữa Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.
Ngoài ra, theo Japandailypress, trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Qatar, sẽ có hội thảo kinh doanh do Keidanren tổ chức. Đây là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Abe giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị quy mô lớn của Qatar chuẩn bị cho giải bóng đá thế giới World Cup 2022, đặc biệt là dự án xe điện ngầm ở Doha. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tham gia vào dự án xây dựng sân bay quốc tế ở Doha.
Mặc dù đến Trung Đông và châu Phi sau Trung Quốc, song xem ra Nhật Bản đang có những bước đi chậm mà chắc, không đầu tư tràn lan khai thác triệt để tài nguyên mà đầu tư có chọn lọc vào các dự án cụ thể, chủ yếu là cơ sở hạ tầng, thế mạnh của Nhật Bản.
KHÁNH MINH