Cuộc đua mới ở Thượng viện Nhật Bản

Nhật Bản đã sẵn sàng cho hàng loạt cuộc vận động tranh cử cho cuộc đua vào Thượng viện diễn ra vào ngày 10-7 tới. Thăm dò dư luận trên truyền thông Nhật Bản cho thấy đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe đang chiếm ưu thế.

Nhật Bản đã sẵn sàng cho hàng loạt cuộc vận động tranh cử cho cuộc đua vào Thượng viện diễn ra vào ngày 10-7 tới. Thăm dò dư luận trên truyền thông Nhật Bản cho thấy đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe đang chiếm ưu thế.

Theo Yomiuri Shimbun, LDP hiện dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ là 35%, cao hơn so với tỷ lệ ủng hộ chỉ đạt 12% của đảng Dân chủ (DP) đối lập. Gần như tương tự, con số này ở Asahi Shimbun là 38% và 15%. Tỷ lệ ủng hộ của ông Shinzo Abe đang ở mức 55% sau khi Nhật Bản tổ chức Hội nghị G7 và Tổng thống Mỹ Obama có chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima.

Nhận định của giới phân tích cũng cho rằng nhiều khả năng đảng LDP sẽ giành chiến thắng nhưng sẽ phải đối mặt trước những thách thức từ phía đảng đối lập DP. DP đang công kích liên minh cầm quyền của LDP về chính sách hoãn tăng thuế tiêu thụ đến tháng 10-2019, khiến Chính phủ Nhật Bản bị kẹt giữa thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng. Hoãn tăng thuế làm Nhật Bản mất đi một nguồn tài chính để trang trải cho chi phí an sinh xã hội đang ngày một phình to ở đất nước có dân số già nhất thế giới. Đảng DP cáo buộc chính quyền Thủ tướng Abe thất bại trong thực hiện cam kết về gói chính sách tiền tệ và tài chính Abenomics nhằm vực dậy nền kinh tế, dẫn đến việc phải đưa ra quyết định hoãn tăng thuế.

Hơn 3 năm triển khai Abenomics đã có những hiệu quả nhất định qua sự hồi phục tỷ lệ tăng trưởng GDP từ năm 2014 đến đầu năm 2016. Tuy nhiên, kinh tế Nhật vẫn còn nhiều mặt hạn chế dù biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ đã được thực hiện nhằm đẩy lùi giảm phát, nhưng khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp và kích thích tiêu tiêu dùng nội địa còn yếu. Hiện ở Nhật Bản có hơn 61.000 người trên 100 tuổi. Các hộ gia đình Nhật Bản hiện đang nắm giữ 1.741 ngàn tỷ yên (tương đương 16.000 tỷ USD) tài sản, và 52% trong số này dưới dạng tiền tệ và tiền gửi. Hầu hết các tài sản này thuộc về người già và hiện không có mấy ai nghe theo lời kêu gọi là hãy đẩy mạnh chi tiêu để hồi sinh nền kinh tế của Thủ tướng Abe. Lý do là với mức lãi suất ở mức gần 0 như hiện nay, họ không kiếm được nhiều từ số tiền tiết kiệm ấy và do đó cũng chẳng muốn chi tiêu. Chính phủ của Thủ tướng Abe cũng vấp phải nhiều chỉ trích khi xúc tiến việc thông qua dự luật Quốc phòng mới ở Quốc hội, dỡ bỏ một số hạn chế của quân đội Nhật Bản và cho phép tham gia hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ.

Nếu giành thế áp đảo trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, chính phủ của ông Abe sẽ có cơ hội thúc đẩy việc thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này sẽ giúp dẹp tan những nghi ngờ trong nước về chương trình Abenomics. Nó được coi là chất xúc tác cho những nỗ lực của ông Abe nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, giúp Tokyo đẩy nhanh các tiến trình đàm phán thương mại khác của nước này. Chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới cũng giúp đảng cầm quyền tiến gần hơn tới mục tiêu sửa đổi Hiến pháp, vốn không thay đổi sau Thế chiến II. Thủ tướng Abe từng ngỏ ý rằng muốn thay đổi các hạn chế trong Hiến pháp để củng cố năng lực của Nhật Bản trong việc đối phó với các mối đe dọa khủng bố.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục