Cuộc đua Mỹ, Trung ở Thái Bình Dương

Kể từ tháng 6-2012, Mỹ chính thức tuyên bố đặt trọng tâm chiến lược vào châu Á - Thái Bình Dương và chuyển 60% sức mạnh quân sự về khu vực này. Tuyên bố này chính thức khởi động cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Dù các quan chức cấp cao Mỹ thường xuyên nhắc đi nhắc lại cụm từ: Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả chúng ta (trong đó có Mỹ và Trung Quốc) như muốn nói rằng mình không có ý tranh giành với ai, nhưng động thái của hai cường quốc đang cho thấy một cuộc chạy đua đang đến hồi quyết liệt. Đồng tiền viện trợ đi trước
Cuộc đua Mỹ, Trung ở Thái Bình Dương

Kể từ tháng 6-2012, Mỹ chính thức tuyên bố đặt trọng tâm chiến lược vào châu Á - Thái Bình Dương và chuyển 60% sức mạnh quân sự về khu vực này. Tuyên bố này chính thức khởi động cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Dù các quan chức cấp cao Mỹ thường xuyên nhắc đi nhắc lại cụm từ: Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả chúng ta (trong đó có Mỹ và Trung Quốc) như muốn nói rằng mình không có ý tranh giành với ai, nhưng động thái của hai cường quốc đang cho thấy một cuộc chạy đua đang đến hồi quyết liệt.

Đồng tiền viện trợ đi trước

Những ngày trung tuần tháng 11 khi chiếc máy bay Air Force One hạ cánh xuống Phnom Penh, Tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Vương quốc Campuchia. Không biết vô tình hay cố ý, nhưng bên ngoài Cung điện Hòa bình, nơi Tổng thống Obama đang có cuộc hội thoại lịch sử với Thủ tướng nước chủ nhà Campuchia Hun Sen, người ta treo tấm biểu ngữ lớn màu xanh lá cây với dòng chữ “CHND Trung Hoa muôn năm” để chào đón Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Bên cạnh đó, cái bệnh cố hữu của người Mỹ là luôn rao giảng về nhân quyền và dân chủ mọi lúc mọi nơi đã phần nào làm giảm sự nhiệt tình của Chính phủ Campuchia dành cho Tổng thống Obama. Cuộc hội đàm giữa ông Obama và ông Hun Sen, theo cách viết của tác giả Ben Bland của tờ Thời báo Tài chính (FT) của Anh, giống như một bài giảng về nhân quyền mà ông Obama dành cho ông Hun Sen và chính trợ lý của ông Obama cũng buộc phải thừa nhận là khá căng thẳng.

Trước chuyến thăm lịch sử của ông Obama tới Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panneta đã “đi tiền trạm” với lời mời Campuchia tham gia cuộc tập trận hải quân.

Dư luận ngay lập tức so sánh chuyến thăm của ông Obama với chuyến thăm của cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Campuchia ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào đầu tháng 4 năm nay. Ông Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố viện trợ không hoàn lại cho Campuchia 2 tỷ USD và toàn bộ hệ thống máy tính phục vụ hội nghị.

Cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt thăm Campuchia và cam kết viện trợ quân sự cho nước này 20 triệu USD. Từ trước đến nay, Trung Quốc không bao giờ công khai những khoản viện trợ cho các quốc gia khác, nhưng lần này họ đều công bố các con số chính xác cho giới truyền thông chứ không phải là lời đồn đoán. Không cần giải thích gì, dư luận cũng hiểu được mục đích của những tuyên bố đó: xác định giới hạn đồng minh.

Câu chuyện này cũng giống như chuyến thăm mới đây của cả hai nhà lãnh đạo hai cường quốc tới Thái Lan. Trong khi ông Obama chỉ ghé qua Thái Lan vài giờ để ca ngợi mối quan hệ đồng minh, thì Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo dành 2 ngày ở đất nước Chùa Vàng, ký kết các hợp đồng hợp tác kinh tế và đặc biệt là đồng ý giúp Thái Lan giải quyết vấn đề nan giải hiện nay: mua gạo tồn kho từ năm ngoái do Chính phủ Thái Lan mua gạo giá cao để giúp nông dân nước này nên không xuất khẩu được.

Chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Campuchia của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là chuyến đi chạy nước rút bởi cho đến thời điểm này, nước Mỹ đã nhận ra mình đã có phần chậm chân hơn so với Trung Quốc trong cuộc đua can dự vào châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (bên trái) nhìn về phía Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (bên phải) trong khi Thủ tướng Campuchia S. Hun Sen đứng giữa lúc các nhà lãnh đạo Hội nghị thượng đỉnh Đông Á chụp hình chung. Bức ảnh được đánh giá đã phản ánh đúng mối quan hệ giữa các nước hiện nay. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama (bên trái) nhìn về phía Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (bên phải) trong khi Thủ tướng Campuchia S. Hun Sen đứng giữa lúc các nhà lãnh đạo Hội nghị thượng đỉnh Đông Á chụp hình chung. Bức ảnh được đánh giá đã phản ánh đúng mối quan hệ giữa các nước hiện nay. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, theo nhận định của giới chuyên gia, 3 nước này đang có quan hệ khắng khít với Trung Quốc. Nhưng tình hình có vẻ không thuận buồm xuôi gió lắm. Chỉ có cuộc viếng thăm Myanmar là có nhiều nội dung hơn cả và có vẻ như ông Obama được chào đón nồng nhiệt hơn ở Thái Lan và Campuchia. Tại đây, ông Obama đã cam kết viện trợ quốc gia này 170 triệu USD, khai trương một văn phòng của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ở Myanmar vốn ngưng hoạt động nhiều năm qua.

Tuy tại Myanmar, Trung Quốc đã hiện diện từ lâu và là đối tác thương mại lớn thứ 3 đồng thời cũng là nhà viện trợ quân sự lớn nhất của nước này, nhưng theo FT, người Myanmar nồng nhiệt với người Mỹ vì họ đang sợ bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Mới năm ngoái nước này đơn phương chấm dứt dự án xây dựng nhà máy thủy điện do nhà thầu Trung Quốc thi công với lý do ảnh hưởng đến môi trường. Và có lẽ Myanmar là một trong những quốc gia đầu tiên “được” Mỹ ưu ái khi không xoáy sâu vào những tiêu chuẩn nhân quyền hay dân chủ theo kiểu Mỹ.

Cuộc đua chia khu vực

Có thể thấy, cuộc chạy đua giành ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang đóng vai trò trong việc chia rẽ khu vực này. Mỹ lợi dụng mâu thuẫn giữa một số nước với Trung Quốc để thiết lập quan hệ đối tác mới. Trong khi đó, Trung Quốc không ngừng cảnh báo các nước có tranh chấp lãnh thổ với mình rằng không nên “chơi” với Mỹ bởi Mỹ là một kẻ thực dụng.

Trong khi Trung Quốc đang dùng sức mạnh kinh tế để lôi kéo đồng minh, thì Mỹ, hiện đang không còn lợi thế đó, đang cố gắng thu hút đồng minh bằng hào quang của cụm từ “đồng minh của Mỹ”. Trung Quốc đang dùng sức mạnh kinh tế và quân sự đe dọa các nước có tranh chấp với mình thì Mỹ dù luôn tuyên bố không đứng về bên nào nhưng có hành động chứng tỏ mình muốn làm người hùng bảo vệ những người yếu đuối.

Thế nhưng cả hai cường quốc không biết vì sao lại không thừa nhận thực tế rằng, trong giai đoạn hiện nay các quốc gia đều đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, nên họ sẵn sàng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cả hai người khổng lồ, và chắc chắn họ sẽ phản ứng với tư tưởng: “chọn tôi thì không được chọn đối thủ của tôi”.

Cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng liệu có dẫn đến chiến tranh lạnh? Đa số các chuyên gia đều cho rằng không, nhưng quan hệ hai nước chắc chắn khó được nồng ấm trở lại bởi những mâu thuẫn lợi ích kinh tế, tầm ảnh hưởng, sức mạnh quân sự đang ngày càng gay gắt. FT trích dẫn nhận định của ông Christopher Johnson, một cựu chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ: “Có một quan điểm ngày càng chiếm ưu thế rằng mục tiêu của hai nước trong bốn năm tới là làm sao để tránh xung đột, không nhất thiết phải cải thiện quan hệ”.

Châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên là khu vực năng động nhất thế giới, vượt qua châu Âu và Mỹ. Việc các nước lớn tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực là việc hiển nhiên. Nhưng việc hợp tác đó nếu được đặt trên cơ sở áp đặt, đe dọa, không bình đẳng thì chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn. Và người thắng cuộc trong cuộc chạy đua trong biển Thái Bình có thể không phải là hai kình ngư Mỹ và Trung Quốc.

VIỆT TRUNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục