Cuộc đua phát triển tiền kỹ thuật số

Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo quốc gia này sẽ phát hành đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên vào năm 2026.
Tiền kỹ thuật số bitcoin và ethereum
Tiền kỹ thuật số bitcoin và ethereum

Hỗ trợ ổn định thị trường tài chính

Kế hoạch của Ngân hàng Trung ương UAE bao gồm phát hành một loại tiền kỹ thuật số và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính thông qua sử dụng các giải pháp dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất. Đây là một phần trong chiến lược giai đoạn 2023-2026 nhằm đưa Ngân hàng Trung ương UAE lọt trong nhóm 10 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới. Chiến lược phát hành đồng tiền kỹ thuật số cũng nhằm hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy kinh tế xanh của UAE.

Theo hãng tin Bloomberg, báo cáo từ Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho biết, hiện có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nghiên cứu việc phát hành tiền kỹ thuật số. Trong đó, các dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ dùng trong các hoạt động thanh toán của người dân đang chiếm ưu thế tại các nền kinh tế mới nổi. Ngược lại, các dự án tiền kỹ thuật số bán buôn dùng trong thanh toán liên ngân hàng có xu hướng trội hơn tại các nền kinh tế phát triển.

Xu hướng tự phát triển tiền kỹ thuật số của quốc gia đã được đẩy nhanh trong giai đoạn đại dịch bùng phát. Ngoài ưu điểm về tính tiện lợi, phát triển tiền kỹ thuật số còn tránh được nguy cơ rửa tiền, tiền giả… Bên cạnh đó là yếu tố ổn định thị trường tài chính. Sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook bắt đầu dự án phát triển đồng tiền kỹ thuật số có tên gọi libra (nay được gọi là diem), các ngân hàng trung ương trên thế giới có chung nhận định, diễn biến này có thể mang lại nhiều tác động tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính của quốc gia. Do vậy, nếu không thể cấm hoàn toàn họ phải có những dự án tương tự libra để giảm thiểu rủi ro.

Xu thế tất yếu

Đến nay, mới chỉ có 23% số dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương triển khai đạt tới giai đoạn thực thi và có tới gần 70% dự án tiền kỹ thuật số bán buôn đang chạy thử nghiệm. Nằm trong nhóm dẫn đầu các quốc gia phát triển tiền kỹ thuật số là Trung Quốc. Quốc gia có thị trường thanh toán di động lớn nhất thế giới này xem tiền kỹ thuật số là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có các cuộc thử nghiệm liên quan đến hệ thống Thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số (DCEP) ở các TP Tô Châu, Thâm Quyến và Thành Đô. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bắc Kinh đã thử nghiệm phát hành tiền kỹ thuật số trị giá 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,55 triệu USD) cho người dân địa phương để thúc đẩy tiêu dùng trong kỳ nghỉ.

Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang xem xét khả năng triển khai các đồng tiền kỹ thuật số riêng. Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Nga và Campuchia cũng có những bước đi tương tự nhằm triển khai phát hành tiền kỹ thuật số thử nghiệm trong 1-2 năm tới. Mỹ, quốc gia luôn chỉ trích đồng tiền kỹ thuật số như bitcoin, cũng đã tham gia vào kế hoạch nghiên cứu phát triển tiền kỹ thuật số với mức độ thận trọng hơn.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc các ngân hàng trung ương phát triển tiền kỹ thuật số là xu hướng tất yếu khi muốn nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước. Ngoài ra, nếu tiền kỹ thuật số được triển khai hiệu quả sẽ góp phần hỗ trợ thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử... 

Tin cùng chuyên mục