Cuộc đua tạo vũ trụ ảo

Không chỉ đua vào vũ trụ thực, các tỷ phú công nghệ như Mark Zuckerberg của Meta, Jensen Huang của Nvidia, Tim Sweeney của Epic, Pony Ma thuộc Tencent Trung Quốc đang cạnh tranh trong việc xây dựng vũ trụ ảo (metaverse) nhằm giành quyền thiết lập các tiêu chuẩn.
Vũ trụ ảo đang phát triển nhanh nhờ sự cạnh tranh của các tỷ phú thế giới
Vũ trụ ảo đang phát triển nhanh nhờ sự cạnh tranh của các tỷ phú thế giới

Tham vọng bá chủ

Hồi tháng 10-2021, khi nhà sáng lập Mark Zuckerberg tuyên bố đổi tên công ty mẹ của Facebook thành Meta Platforms, nhằm hỗ trợ tạo một thế giới kỹ thuật số mới, được gọi là “vũ trụ ảo”, ông đã bị chế giễu không thương tiếc.

Đối với một số người, ông Mark Zuckerberg đang tạo ra lớp màn để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi tranh cãi chính trị. Với những người khác, ông chỉ là tỷ phú công nghệ tiếp theo muốn thực hiện giấc mơ thời thơ ấu, như cách Jeff Bezos của Amazon và Elon Musk của Tesla chế tạo tên lửa để bay lên vũ trụ. Từ đó, số lượt tìm kiếm thông tin về metaverse trên Google tăng vọt.

Theo hãng môi giới Bernstein, thuật ngữ metaverse được nhắc đến 449 lần trong các buổi công bố báo cáo tài chính trực tuyến quý 3. Điều này cho thấy, các thị trường có quy mô tiềm năng ít nhất 2.000 tỷ USD mỗi năm có thể chịu tác động của metaverse. 

Những gã khổng lồ công nghệ khác như Microsoft cũng đang lên kế hoạch hướng đến metaverse. Các công ty đang chạy đua để có được 1 tỷ người dùng, nhằm giành quyền thiết lập các tiêu chuẩn của metaverse trong tương lai. Điều này hình thành nên cuộc chiến giữa các tỷ phú, tương tự như cuộc chạy đua vào vũ trụ thực của Jeff Bezos và Elon Musk.

Khi xem xét các tham vọng của Meta, Nvidia, Epic và Tencent, chúng ta có thể thấy phạm vi tiếp cận metaverse của mỗi công ty khác nhau và có sở trường riêng. Zuckerberg dành 10 tỷ USD chủ yếu phát triển tai nghe, kính thực tế ảo và công nghệ thực tế ảo tăng cường - mà ông hy vọng sẽ cung cấp thiết bị truy cập tối ưu cho metaverse.

Nvidia tập trung vào cái gọi là Đại vũ trụ (omniverse), một công nghệ dựa trên chip của hãng, giúp kỹ sư, nhà thiết kế và các loại hình sáng tạo khác kết hợp ảo với nhau để tạo ra mọi thứ. Hiện tại, việc này chủ yếu ứng dụng trong công nghiệp. Epic đã tạo ra thế giới ảo trong nhiều năm, gồm game Fortnite. Tencent lại cần vượt qua thách thức tại Trung Quốc. Pony Ma có lẽ sẽ làm điều này một cách thận trọng, trong bối cảnh giới chức đang siết chặt, kiểm soát các hãng công nghệ. Dù vậy, siêu ứng dụng phổ biến WeChat của Tencent, gồm WeChat Pay, thực sự là phiên bản 2D của cái mà vũ trụ ảo có thể hình thành trong phiên bản 3D.

Dĩ nhiên cũng có những người phản đối, nhất là những người ủng hộ các công nghệ phân tán nhiều hơn, còn được gọi là Web3. Những người này cho rằng blockchain và tiền số mới là công nghệ quan trọng tiếp theo, dù chuyên gia công nghệ Ben Thompson của tờ The Economist chỉ ra rằng chính blockchain và tiền số sẽ có đất dụng võ trong vũ trụ ảo nhiều hơn là thế giới thực: “Elon Musk muốn lên mặt trăng. Mark Zuckerberg muốn tạo ra những mặt trăng hoàn toàn mới trong không gian kỹ thuật số”.

Đi tắt đón đầu 

Trung Quốc là một trong những nước đánh giá cao triển vọng của metaverse và có những biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này. Theo Bloomberg, năm 2020, trị giá thị trường của metaverse đã đạt gần 500 tỷ USD, và có thể tới 800 tỷ USD vào năm 2024. Trong thị trường này, mảng game online đóng góp nhiều nhất - chiếm tới một nửa thị phần, và nửa thị phần còn lại thuộc về truyền thông xã hội, các hình thức giải trí trực tuyến khác như âm nhạc.

Ngày 16-2, Ủy ban Metaverse trực thuộc Hiệp hội Truyền thông và Di động Trung Quốc đã kết nạp thêm 17 thành viên mới là các công ty công nghệ cao của nước này. Như vậy, Ủy ban Metaverse đã có tổng cộng 112 thành viên là công ty công nghệ hoặc chuyên gia có uy tín. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc thành lập các ủy ban nhằm thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo năng lực dẫn đầu của nước này trong các lĩnh vực công nghệ được dự báo có tiềm năng phát triển mạnh. Trước đó, Trung Quốc cũng đã thành lập ủy ban tương tự đối với lĩnh vực blockchain.

Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc đi sau các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này như Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc đang có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ mới này. Năm 2021, hơn 1.000 công ty Trung Quốc, bao gồm các tên tuổi lớn như Alibaba và Tencent, công bố hơn 10.000 nhãn hiệu liên quan đến metaverse.

Khi thành lập Ủy ban Metaverse, Bộ Khoa học - Công nghệ Trung Quốc khẳng định đây không phải là mốt nhất thời, mà là một xu hướng quan trọng phải phát triển. Dư địa phát triển là vô tận, lại đang trong giai đoạn được Bắc Kinh tập trung phát triển công nghệ then chốt nhằm cạnh tranh chiến lược với phương Tây nên metaverse hứa hẹn tương lai tươi sáng. Đáng chú ý là sự hội nhập sâu rộng giữa nền kinh tế thực và nền kinh tế số; dữ liệu trở thành tài sản cốt lõi; toàn cầu hóa của nền tài chính số phi tập trung. Hơn thế, hiện Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu mạnh đã góp phần giúp thương mại điện tử tại đất nước tỷ dân phát triển hàng đầu thế giới. Nhiều ứng dụng trong quản lý xã hội, phòng chống Covid-19 đạt hiệu quả cao.

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã xem dữ liệu là yếu tố sản xuất, và đang từng bước xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát lĩnh vực then chốt này - vốn bị các công ty công nghệ lớn chi phối. Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh thu khổng lồ từ vũ trụ ảo sẽ quay lại kích thích mạnh mẽ nền kinh tế thực. Cuộc đua công nghệ cũng được thể hiện khi các nước đều đang nỗ lực gia tăng số lượng bằng sáng chế.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, tổng số đơn đăng ký bằng sáng chế trên toàn cầu năm 2021 đã lên đến gần 280.000. Trung Quốc hiện dẫn đầu năm thứ 3 liên tiếp với khoảng 70.000 đăng ký, và cũng chiếm 13/50 công ty với số lượng đăng ký lớn nhất.

Tin cùng chuyên mục