“Cuộc đua xanh” đã bắt đầu

Chỉ 1/10.000 doanh nghiệp hưởng ứng
“Cuộc đua xanh” đã bắt đầu

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Văn phòng phát triển bền vững (PTBV), Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tại diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển xanh”. Trên thực tế, bảo vệ môi trường (BVMT) hay sống xanh đã và đang trở thành “mốt” trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để phù hợp với “mốt”, nhiều doanh nghiệp đã tự đổi mới để hoạt động sản xuất và cao hơn là sản phẩm của mình, thân thiện hơn với môi trường. Điều đáng nói là việc chuyển mình này của các doanh nghiệp hiện rất chậm.

Sản phẩm sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng, ít chất thải ngày càng được người tiêu dùng ủng hộ. Ảnh: Kim Ngân

Sản phẩm sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng, ít chất thải ngày càng được người tiêu dùng ủng hộ. Ảnh: Kim Ngân

Chỉ 1/10.000 doanh nghiệp hưởng ứng

Minh chứng cho khẳng định trên, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Phòng PTBV thành lập với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường, sản xuất xanh hơn, sạch hơn nhưng đã hơn hai năm kể từ khi ra đời chỉ có khoảng 30 trong khoảng vài trăm ngàn doanh nghiệp trên cả nước tham gia. Tại các cuộc họp liên quan đến vấn đề môi trường toàn cầu được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới vừa qua, đoàn đại biểu của Việt Nam chủ yếu là cơ quan chức năng, các doanh nghiệp xanh gần như vắng bóng.

Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, chính phủ cũng như doanh nghiệp đều đã có sự chủ động nhất định trong việc đưa ra những kế hoạch cụ thể để phát triển xanh. Chẳng hạn như Trung Quốc đầu tư năng lượng sạch đứng hàng đầu với 21% trên tổng số 162 tỷ USD tổng đầu tư toàn cầu; các nước EU có tới 40% các giải pháp phát triển về công nghệ xanh; Hàn Quốc khuyến khích phát triển công nghệ xanh tới 80%. Nhật Bản được xem là nước có nền kinh tế hiệu quả nhất nhờ những giải pháp xanh… Có thể nói “cuộc đua xanh” đã bắt đầu và người chiến thắng chính là người biết tận dụng để tạo ra những giải pháp xanh nhất, ít cacbon nhất và biến nó thành nguồn xuất khẩu, mang lại lợi ích cho đất nước.

Trước thực tế đó, Chính phủ nước ta đã ban hành định hướng chiến lược PTBV. Và để thực hiện được định hướng này, các cơ quan ban ngành chức năng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ mới thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất phát thải gây hiệu ứng nhà kính; cam kết sử dụng và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong quá trình sản xuất. Đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm giảm khí CO2 gây biến đổi khí hậu toàn cầu; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường; tiến tới hình thành ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam… Đáng chú ý là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ để có thể tiếp cận tới các giải pháp công nghệ xanh, hợp tác hỗ trợ từ quốc tế để tạo động lực phát triển xanh…

Khó vẫn phải lo

Chủ trương đã có nhưng nhiều doanh nghiệp không khỏi băn khoăn. Muốn đầu tư phát triển xanh họ phải có vốn. Đơn cử như để đầu tư công nghệ đốt bằng vật liệu tái chế (mạc cưa, bã mía) hay đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời gia nhiệt cho nước nóng thay cho việc sử dụng điện hoặc nhiên liệu hóa thạch phải mất vài tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay – khi các doanh nghiệp đang phải thắt lưng buộc bụng thì để làm việc trên rất khó. Còn tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi lại không phải dễ với các doanh nghiệp.

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, hoạt động BVMT theo chiến lược PTBV là một công việc có tính cách mạng, tác động đến toàn bộ các khâu thiết yếu nhất của đời sống kinh tế-xã hội, từ nhận thức của từng người đến toàn bộ xã hội, từ thay đổi thói quen đến hình thành nếp sống mới, tổ chức mới. Đây là quá trình hết sức phức tạp, lâu dài đòi hỏi chúng ta phải có một giải pháp tổng thể. Ngay bây giờ, chúng ta cần hướng tới việc xây dựng một nền kinh tế xanh, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu. Tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện tốt những hành động nhỏ hàng ngày như tắt bóng điện, tắt quạt điện, điều hòa khi không cần thiết, sử dụng tiết kiệm xà phòng, dầu gội đầu và các hóa chất, không xả rác bừa bãi. Kế đến mới tính đến phương pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển đổi từ từ. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng sự chủ động của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Nếu mạnh dạn đi tắc, đón đầu thì mới mong không đi lạc hướng với xu thế hiện nay.

Có thể nói, cho đến nay, Nhà nước đã phải chi không dưới 1% tổng chi ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp BVMT. Thế nhưng so với thực trạng ô nhiễm hiện nay thì mức chi này chưa thấm vào đâu. Hiện các cơ quan chức năng đang kiến nghị cần tiếp tục nâng dần mức chi cho sự nghiệp BVMT qua từng năm, đảm bảo đến năm 2015 đạt không dưới 2% tổng chi ngân sách nước. Tuy nhiên, cho đến khi nhà nước có quyết sách cuối cùng thì tự nỗ lực bản thân các doanh nghiệp nhằm đáp ứng xu thế phát triển của thế giới là rất quan trọng nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.

Minh Xuân – Minh Hải

Tin cùng chuyên mục